Mới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản về việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13 Hội đồng Nhân dân tỉnh. Trong đó kèm theo toàn văn Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày 13/12, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu hoặc phê chuẩn.
|
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnhNguyễn Trung Hải, Phạm Quang Nguyên bỏ phiếu tín nhiệm |
Theo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức dân chủ, khách quan, công tâm, trung thực, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, trình tự...
Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, khối Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh có số phiếu tín nhiệm cao 46 phiếu (chiếm 97,87% tổng số phiếu); số phiếu tín nhiệm 0 phiếu (chiếm 0% tổng số phiếu); số phiếu tín nhiệm thấp là 1 phiếu (chiếm 2,13% tổng số phiếu). Bà Hoàng Thị Thúy Lan có số "phiếu tín nhiệm cao" cao nhất trong số 28 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Ông Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch HĐND có 33 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 70,21%), 8 phiếu “tín nhiệm” và 1 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ông Phạm Quang Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND có 44 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 93,62%), 3 phiếu “tín nhiệm” và 0 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Khối UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có số phiếu tín nhiệm cao là 19 phiếu (chiếm 40,43% tổng số phiếu); số phiếu tín nhiệm là 2 phiếu (chiếm 4,26% tổng số phiếu); số phiếu tín nhiệm thấp 25 phiếu (chiếm 53,19% tổng số phiếu).
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Ông Vũ Việt Văn có 35 phiếu “tín nhiệm cao”, 9 phiếu “tín nhiệm” và 3 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ông Nguyễn Văn Khước có 32 phiếu “tín nhiệm cao”, 12 phiếu “tín nhiệm” và 3 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ông Vũ Chí Giang có 29 phiếu “tín nhiệm cao”, 15 phiếu “tín nhiệm” và 3 phiếu “tín nhiệm thấp”....
Theo kết quả trên, ông Lê Duy Thành là Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên cả nước nhận trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp.
Thông tin từ HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, sắp tới sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm nêu trên. Việc thực hiện được dựa vào Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Điều 12 Nghị quyết 96/2023 quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, nêu rõ: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Nghị quyết 96/2023 nêu rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức (không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm).
Trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất (với hai mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm).
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV