Văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên
Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nêu một số hạn chế, tồn tại về thể chế, chính sách phát triển văn hóa.
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo. |
Cụ thế, hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể. Khung thể chế chưa hoàn thiện, chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.
Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức.
Các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động.
Một số lĩnh vực văn hóa chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh như nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ. Một số lĩnh vực thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh như lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi.
"Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xin nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa vì đã có những khoảng trống trong tham mưu ban hành chính sách", ông Hùng nói.
Bàn về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.
Hoàn thiện chính sách để tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực văn hóa
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo văn hóa năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, nguồn nhân lực về văn hóa được quan tâm, hệ thống các trường đào tạo về văn hóa ngày càng được đầu tư nhiều hơn.
Cả nước có 40 trường trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 3 Viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ, khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho đội ngũ văn nghệ sỹ đã được ban hành và dần được hoàn thiện.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo văn hóa năm 2022. |
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa, một trong những chính sách lớn tạo đột phá cho phát triển văn hóa, đó là phát triển nguồn nhân lực văn hóa.
“Cần coi phát triển nguồn nhân lực văn hoá là "khâu đột phá" trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách để tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cả chất lượng, số lượng, cơ cấu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần bảo đảm cơ chế, chính sách thuận lợi cho hợp tác đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bổ sung, hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh một cách xứng đáng cả về vật chất và tinh thần đối với cống hiến thực tế của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ ngành văn hóa. Cuối cùng là nhóm chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo thống nhất như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 muốn văn hóa mạnh phải tăng đầu tư…
|
Có 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước, trong đó có những điểm cầu lên tới 600 – 700 người. |
Chủ tịch Quốc hội mong muốn tăng đầu tư của cả trung ương và địa phương không chỉ trong khung dự toán mà còn phải nhiều hơn nữa, đồng thời với việc khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội. Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, trong khi chưa sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì Quốc hội và Chính phủ đã tích cực để có thí điểm cơ chế chính sách cho TP HCM trong đó có thí điểm về cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, tham dự Hội thảo Văn hóa 2022 có 110 chuyên gia, nhà khoa học; 9 cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hoá nghệ thuật trong cả nước; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế. Có 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước, trong đó có những điểm cầu lên tới 600 – 700 người. Có khoảng 10 nghìn lượt người theo dõi trên Cổng thông tin điện tử và website của Hội thảo; 30 nghìn người xem trên các nền tảng trực tuyến, gần 200 nghìn người tiếp cận trên các nền tảng số. 53 cơ quan thông tấn báo chí với hơn 150 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia đưa tin về Hội thảo.
Mời quý độc giả xem video: "Bánh trôi, bánh chay - nét đẹp văn hóa Tết Hàn Thực". Nguồn: VTV1.