Trả lời chất vấn chưa rõ, chưa thỏa mãn một số nội dung
"Chấm điểm" Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 4, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư còn có một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia tranh luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: "Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là rất rộng, liên quan tới nhiều Bộ, ngành, địa phương. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhận nhiệm vụ hơn một năm nhưng đã cố gắng nắm tình hình, nắm thực trạng và những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Bộ trưởng đã nghiêm túc làm rõ trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách".
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng KH-ĐT còn có một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia tranh luận. Ảnh quochoi.vn
|
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, trong nhóm vấn đề thứ 4 mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đâu tư trả lời chất vấn đã có 37 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 19 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận, 2 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian để mời; còn 11 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa có đủ thời gian chất vấn.
"Những vấn đề chưa được trả lời thỏa đáng, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục gửi câu hỏi đến Tổng thư ký Quốc hội để chuyển đến Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Trong phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cũng đã tham gia giải trình thêm một số vấn đề liên quan", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công. Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn dự án và số vốn giải ngân. Tăng tổng đầu tư vốn toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước.
"Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, qua ý kiến của đại biểu chất vấn và tranh luận cho thấy trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo như: việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm; vốn đã thấp so với nhu cầu nhưng tiến độ giải ngân vốn cũng còn chậm, tức là “có tiền mà chưa chi được”; nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu, sửa đổi. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế đã gây lãng phí; đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để", Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
6 vấn đề tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế:
1. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của các cấp trong quản lý đầu tư công. Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương, tập trung bố trí đủ vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát, lãng phí.
2. Trong năm 2017, ban hành các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; xây dựng kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016- 2020. Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu và ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ người có công.
3. Tiếp tục nghiên cứu triển khai mở rộng các hình thức đầu tư để huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường vốn, hoạt động mua bán nợ, với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đánh giá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài để vừa huy động được nguồn vốn, vừa khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, giảm thiểu những mặt trái của việc đầu tư nước ngoài tác động đến kinh tế- xã hội trong nước.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin- cho trong đầu tư công. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương trong việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; thực hiện tốt việc điều hòa tổng nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng nơi thì thiếu vốn, nơi thì không giải ngân được; có cơ chế xử lý cắt giảm vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chậm tiến độ, hiệu quả thấp để chuyển sang các công trình hoặc là các dự án ở địa phương thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.
6. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các công trình, dự án trọng điểm Quốc gia theo quy định của pháp luật.