Tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ khai giảng ở Trường THPT Chu Văn An.
Buổi lễ còn có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng.
|
Chủ tịch nước đánh trống mừng khai giảng năm học mới. |
|
Các em học sinh phấn khởi chào đón năm học mới. |
Tại TP. HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cùng dự có ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội.
|
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong những trường chuyên nổi tiếng tại TPHCM có lịch sử lâu đời. |
Năm học 2018-2019, TP.HCM có hơn 1.677.071 học sinh.
Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ TP.HCM dự khai giảng tại Trường THPT Gia Định. Đây là lần đầu tiên Trường THPT Gia Định khai giảng ở địa điểm mới sau cuộc chuyển địa điểm vào tháng 10/2017 đến một địa điểm đẹp hơn.
Năm nay ngôi trường này được xây mới hoàn toàn tại vùng đất mới ở Bình Thạnh.
|
Bí thư Thành uỷ TP.HCM dự khai giảng tại Trường THPT Gia Định. |
Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm học này sẽ có 8,359 triệu học sinh tiểu học, 5,603 triệu học sinh THCS và 2,578 học sinh THPT. Tương đương đó, số giáo viên cấp tiểu học là 396.600 giáo viên, cấp THCS có 306.110 giáo viên, cấp THPT có 150.288 giáo viên.
Tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS, thiếu 3161 giáo viên THPT. Đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT.
Để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên. Cùng đó, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.
|
Học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) chuẩn bị sách vở trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng đã chỉ đạo và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học.
Năm học qua cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện tổng rà soát hiện trạng đội ngũ, tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các ngành sư phạm trên cả nước giảm 20% so với tổng số sinh viên thực tuyển năm 2017, và giảm khoảng 33% so với chỉ tiêu năm 2017.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ, Bộ GD-ĐT đã giao các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước.
Một trong những nhiệm vụ chủ chốt của năm học tới là chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới được tiến hành vào năm học 2019-2020. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đội ngũ và cơ sở vật chất là 2 điều kiện quan trọng để triển khai chương trình. Trong đó, đội ngũ giáo viên phải “chuyển mình” – chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực.
Về cơ sở vật chất, phải đảm bảo dạy và học 2 buổi/ ngày, trong khi hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa thực hiện được điều kiện này.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả 2 điều kiện là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT đều không quyết định trực tiếp được. Bộ GD-ĐT đang làm việc cùng các Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng nhau tìm giải pháp.
Bộ GD-ĐT đặt ra một số nhiệm vụ cần tập trung trong năm học này, trước hết là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, sắp xếp, dồn dịch, quy hoạch các điểm trường một cách hợp lý. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến tính khoa học, hợp lý trong bố trí giáo viên, cũng như cơ sở vật chất, tránh tình trạng làm cơ học.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, việc tinh giảm biên chế không thể làm máy móc là cắt đi 10% giáo viên, mà là chia giai đoạn từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tức là nếu biên chế tự chủ được về lương thì không tính là biên chế theo nghĩa truyền thống. “Thứ hai, cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để dạy. Giáo viên dạy môn nào phải đủ môn đó, cấp nào dạy cấp đấy, không được máy móc thiếu giáo viên mầm non, thừa giáo viên cấp 2 mà chuyển xuống ngay” – ông Đam nói.
Vấn đề nhà vệ sinh trường học cũng được Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần thông qua xã hội hoá giáo dục. Ông Đam đưa giải pháp: Hãy lập một địa chỉ cụ thể để các trường chụp lại ảnh nhà vệ sinh của trường mình, gửi lên để toàn xã hội cùng thấy, từ đó kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để nhà vệ sinh không còn là nỗi sợ của học sinh khi đến trường.
Trước thềm năm học mới 2018-2019, trong khi các trường học Thủ Đô đang “nóng” với tình trạng lớp chật, người đông thì ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trận lũ quét vừa qua đã khiến lễ khai giảng của các em năm nay không thể trọn vẹn. Mong muốn lớn nhất của thầy trò vùng lũ ở Yên Bái, Sơn La… là được làm lễ khai giảng cho các cháu đúng ngày 5/9.