Sáng 14/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri trực tuyến với 21 xã, thị trấn thuộc huyện Củ Chi, TPHCM.
Nỗ lực hết sức mình để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân
Phát biểu trước cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui, niềm vinh dự được ứng cử ĐBQH tại TPHCM, cụ thể là huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn.
Chủ tịch nước khẳng định, sẽ nỗ lực hết sức mình để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
“Phải làm việc gì cho nước, cho dân, cho cử tri, cho các địa phương của TPHCM, đặc biệt là địa bàn ứng cử”, ông nói.
Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, là ứng cử viên ĐBQH, Chủ tịch nước khẳng định, luôn phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi. |
Ông cam kết thực hiện đúng các quy định và làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, gắn bó với cử tri, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh kịp thời với Quốc hội, với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, của công chức để phục vụ nhân dân.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước quan tâm đến những vấn đề thiết thực để phát triển kinh tế, đặc biệt là đời sống nhân dân trong phạm vi cả nước, người dân ở TPHCM và người dân huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, địa bàn nơi ông ứng cử.
“Làm sao qua một nhiệm kỳ 2021-2026, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng như người dân TPHCM có bước chuyển mới. Làm sao những tồn tại, bất cập được quan tâm xử lý một cách thấu đáo, để không còn những băn khoăn lo lắng của người dân”, Chủ tịch nước nói.
Ông cũng nói rằng, chống phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp là câu chuyện được đề cập nhiều, nhưng thực tế có nơi có lúc vẫn chưa làm tốt.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người dân không chỉ cần được chăm lo về vật chất mà còn cần được tạo thuận lợi tối đa khi làm việc với cơ quan nhà nước.
Do vậy, ông cam kết thúc đẩy giải quyết kiến nghị của người dân đến nơi đến chốn, giải quyết thấu đáo, trong thời gian quy định, nhất là những vấn đề về đời sống, hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường.
Đồng thời, để giải quyết những vấn đề hạ tầng, đô thị, môi trường cần có sự tin tưởng, kiên trì thuyết phục để người dân tin tưởng và ủng hộ chính sách. Cùng với đó là đề ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu người dân.
Theo Chủ tịch nước, đã là lãnh đạo, công chức thì phải nêu gương phục vụ dân, đây là điều đầu tiên mà người đại biểu phải làm. Quan tâm đến những vấn đề thiết thực của người dân, nhất là địa bàn mà đại biểu ứng cử. Làm sao để các tồn tại, bất cập được quan tâm giải quyết thấu đáo. Đi liền với đó là thúc đẩy phòng chống tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu, xa rời dân.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, TPHCM cần phải tập trung hơn nữa, đưa các vùng chậm phát triển như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Đồng thời cho biết đó cũng là nguyện vọng của bản thân ông.
Đưa khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường lan tỏa
Nhấn mạnh Quốc hội có 3 chức năng quan trọng: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng; đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân, Chủ tịch nước cho biết, sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy thực hiện tốt 3 chức năng quan trọng này của Quốc hội.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm đến xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh; đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam.
Đặc biệt là công tác cải cách tư pháp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân…
Theo Chủ tịch nước, hơn ai hết, Quốc hội, từng ĐBQH phải làm tốt việc này để đóng góp xây dựng đất nước.
Đồng thời, đưa khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường lan tỏa đến từng người dân, từng địa phương, từng tổ chức nhằm xây dựng đất nước thịnh vượng và mọi người dân đều được thụ hưởng lợi ích từ sự thịnh vượng đó, không ai bị bỏ lại phía sau.
“Các ĐBQH nói chung và tổ đại biểu đơn vị số 10 tại địa danh cách mạng nổi tiếng Củ Chi, Hóc Môn càng cần làm hết sức mình để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, giám sát để góp phần xây dựng đất nước”, Chủ tịch nước nói.
Luật đất đại vẫn còn nhiều bất cập, gây thất thoát
Cho rằng, các ý kiến rất trách nhiệm, với tinh thần xây dựng huyện cũng như TP HCM ngày càng phát triển hơn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ấn tượng trước ý kiến của các cử tri, trong đó có cử tri nói về đất đai, Luật đất đai và các bất cập, đây là những ý kiến rất thực tế. Ông cho rằng, Luật đất đai bên cạnh tiến bộ vẫn còn nhiều bất cập, gây thất thoát trong quá trình chuyển đổi sử dụng đất...
“Chúng ta cũng thấy, giàu lên từ đất rất nhiều, nhưng tù đày từ đất cũng rất nhiều “, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, hiện vấn đề chuyển thủ tục đất đai của người dân còn rất nhiều khó khăn, chậm trễ, bất cập. Đồng thời cho biết, Chính phủ đang xem xét hoàn thiện, sửa đổi luật đất đai phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, tạo nguồn lực phát triển; tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân một cách đúng đắn, kịp thời.
Nhấn mạnh, vị trí huyện Củ Chi, Hóc Môn là địa bàn kết nối các đô thị trong vùng TPHCM, gắn với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Do đó, TPHCM cần quy hoạch Củ Chi, Hóc Môn trên quan điểm liên kết phát triển vùng; đưa hai huyện sớm trở thành vành đai xanh, đô thị sinh thái.
Chủ tịch nước chỉ rõ, nút thắt lớn nhất đối với Củ Chi hiện nay chính là giao thông. Quốc lộ 22 quá tải trong khi 1.600 tuyến đường trong huyện là đường nông thôn nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo.
Ông cho rằng, nếu huyện Củ Chi có đường sắt đô thị (metro), có đường ven sông Sài Gòn kết nối với trung tâm TPHCM và hạ tầng giao thông cải thiện thì sẽ giúp huyện Củ Chi phát triển.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần sớm triển khai những tuyến giao thông huyết mạch, trong đó có tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), vành đai 3.
Đồng thời, phát triển giao thông đường thủy, đường bộ, metro, giúp khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn phát triển không kém gì khu vực trung tâm TPHCM.
“Chúng ta phải có khát vọng, có tầm nhìn như vậy để tháo nút thắt cho Củ Chi”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng nêu ra yêu cầu thúc đẩy tiến độ Khu đô thị Tây Bắc nhằm tạo động lực lan tỏa cho phát triển chung. Chủ tịch nước cho biết, Chủ tịch nước cùng lãnh đạo TPHCM sẽ chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào hai huyện Củ Chi, Hóc Môn, đi liền với đó là nghiên cứu mở rộng các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao hiện đại.
“Một tương lai tốt đẹp của huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn đang diễn ra trong tương lai gần mà chúng tôi cùng với TPHCM sẽ cố gắng thúc đẩy điều đó”, Chủ tịch nước khẳng định.
Dẫn câu chuyện cử tri ở 3 xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội nằm trong quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc đã từ hơn 10 năm nay nhưng dự án chưa được triển khai đồng bộ khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng lớn, Chủ tịch nước thấu hiểu những khó khăn của người dân trong việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa…
Ông đánh giá việc chậm trễ triển khai quy hoạch đã làm lãng phí cơ hội phát triển của huyện và ảnh hưởng tâm tư của người dân. Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM rà soát lại quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, nếu còn phù hợp thì tập trung triển khai sớm để người dân an tâm sinh sống, phát triển.
Trong phát triển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần quản lý đô thị chống đầu cơ đất đai, xây dựng trái phép, nhất là tránh đô thị hóa kiểu vết dầu loang. Để các địa phương sáng tạo, phát triển, Chủ tịch nước cho rằng TP.HCM cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho cơ sở, đi liền đó là tăng cường giám sát việc thực hiện.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lễ tuyên thệ của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc