Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình.
|
3 đối tượng: Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Lê Thị Lương.
|
Bộ GD&ĐT với chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra công tác này của các cơ sở giáo dục ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.
Còn đối với ĐH Đông Đô, khi có dấu hiệu về việc nhà trường cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.
Theo quy định tại Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD&ĐT quy định.
Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục ĐH do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng, nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GD&ĐT. Trong cả 2 trường hợp, trách nhiệm quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ đều thuộc về cơ sở giáo dục ĐH.
“Trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng ĐH từ Bộ GD&ĐT nhưng chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường; nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng.
Trên cơ sở báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị, Bộ GD&ĐT kiểm tra và nếu phát hiện phôi văn bằng, chứng chỉ của đơn vị không đúng quy định thì có văn bản yêu cầu cơ sở giáo dục điều chỉnh hoặc xử lý theo quy định. Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý văn bằng chứng chỉ nói chung, in phôi văn bằng, chứng chỉ nói riêng của các cơ sở giáo dục ĐH theo kế hoạch hằng năm”, TS Trinh cho hay.
Trước đó, ngày 19/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm:
Dương Văn Hòa, SN 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, là Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô.
Trần Ngọc Quang, SN 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô. Phạm Vân Thùy, SN 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô. Lê Thị Lương, SN 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô.
Ngày 1/8/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Đồng thời, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương.
Vụ án hiện đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.