Sự tích đảo Cò
Ông Đào Quang Thắng gắn bó với đảo từ năm 1994. Lúc đó, Khu du lịch sinh thái đảo Cò mới hình thành. Vì thế, người đàn ông này nắm rõ về đảo, về tập tính sinh hoạt của cò vạc hơn ai hết trong làng, bởi như lời ông tự nhận thì "thời gian ở đảo còn nhiều hơn thời gian ở nhà".
Nhìn ra hồ nước mênh mông trước mặt, ngoài kia là đảo xanh mướt với những cánh cò trắng chao liệng, đậu kín những lùm cây, ông Thắng ôn lại câu chuyện về sự tích đảo Cò. Chuyện rằng, cách đây hơn 400 năm, một trận đại hồng thủy làm vỡ đê sông Luộc. Nước tràn vào nhấn chìm nhiều ruộng vườn. Một bãi đất trồi lên giữa mênh mang sóng nước tạo thành đảo nhỏ. Sau trận đại hồng thủy ấy, cò vạc từ khắp nơi kéo về trú ngụ trên đảo. Đảo Cò ra đời từ đó. Hồ nước bao quanh đảo được gọi là An Dương. Trước đây, chỗ sâu nhất của hồ chừng hơn 20m. Nhưng qua thời gian bồi lấp, nay rút xuống chừng 14m.
Trong ký ức của ông Thắng, ngày ông còn bé, khu vực đảo Cò vẫn còn hoang sơ lắm, cỏ mọc um tùm. Chiều chiều, người lớn ra hồ thả đó bắt tôm cá, còn lũ trẻ con như ông Thắng vùng vẫy bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia đoạn hẹp nhất của hồ. "Ngày ấy, hồ sẵn tôm cá lắm, đến nỗi mỗi khi cất đó lên thì giỏ nào cũng đầy. Đặc biệt, có những người thả lưới, bắt được những con trắm đen, cá kìm từ sông Luộc vào hồ sinh sống, nặng tới vài ba chục kg là chuyện thường", ông Thắng kể.
|
Một góc đảo Cò Chi Lăng Nam. |
Chẳng biết sẽ thế nào nếu thiếu đảo
Cũng theo ông Thắng, trước đây, đảo Cò vẫn có người sinh sống. Tuy nhiên, do cò vạc về ngày một nhiều, nhất là từ khi Khu du lịch sinh thái đảo Cò được hình thành, người dân dần chuyển đi, trả lại nguyên vẹn nơi trú ngụ cho cò vạc. Thế nhưng, để trả lại môi trường sống cho cò là cả một quá trình không hề đơn giản, phải mất hàng năm trời đấu tranh, vận động, tuyên truyền, ông Thắng bảo. Ấy là bởi trước kia, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên chuyện người ta quăng mìn bắt cò diễn ra thường xuyên. "Có lần, nhìn xác cò chết rạp, trắng cả một góc bờ, xót lắm", ông Thắng nhớ lại. Nhưng đó là chuyện của hơn hai chục năm trước.
Bây giờ, người An Dương nói riêng, người Chi Lăng Nam nói chung đã nhận ra vai trò, ý nghĩa của đảo Cò. Họ đã biết sống chung với cò theo đúng nghĩa, từ cái mùi uế nồng vào những ngày nắng nóng, oi bức của đảo Cò "dội" vào, từ những lần cò đi kiếm ăn giẫm lên làm chết lúa mới cấy... Thế nhưng, người ta đã chẳng lấy đó làm phiền muộn. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, đảo Cò là tài sản chung, là "báu vật" mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất thuần nông này. Cách mà người dân Chi Lăng Nam cần đảo được gói gọn trong câu nói của ông Thắng: "Chúng tôi sẽ chẳng biết cuộc sống sẽ thế nào nếu một ngày đảo Cò không còn nữa". Và cái ngày ấy có lẽ chẳng còn xa nữa, theo tiếng thở dài của ông Thắng: "Cứ đà này, chỉ chục năm nữa thôi, khó mà giữ được đảo".
|
Ông Đào Quang Thắng bên những gốc cây chết khô trên đảo vì lượng phân cò quá dày. |
Đảo Cò sẽ mất?
Tưởng như với 20 năm gắn bó từng tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ, ông Thắng cứ nói quá lên về cái sự an nguy của đảo. Thế nhưng, có ngồi trên thuyền đi một vòng quanh đảo mới thấy nỗi lo ấy không phải là không có cơ sở.
Ông Thắng cho hay, diện tích của đảo chừng 4 mẫu, "nhưng bây giờ không còn được như thế nữa rồi, vì tính ra sạt lở làm đảo bị thu hẹp vào chừng 2 - 3m". Bằng chứng là những khóm tre chết khô nằm chơ lơ dưới lòng hồ, cách bờ cả mét. Những gốc sòi bị bật rễ, nằm ngả ra mặt nước mà chỉ cần một trận sóng lớn sẽ bị nước nhấn chìm. Nhìn cảnh ấy, chẳng khó để người ta đoán định được tương lai của đảo, nếu như không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đảo Cò bị sạt lở, ban quản lý khu du lịch đã nhận ra từ cả chục năm nay. Thế nhưng, chính ông Bùi Trọng Soái, nhân viên quản lý cảnh quan đảo Cò xác nhận: Nguồn thu từ đảo chừng 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đến giờ, ngoài việc mỗi năm huyện hỗ trợ giống tre để trồng trên đảo thì chưa có một biện pháp nào thiết thực để bảo vệ đảo khỏi sạt lở như xây tường bao. Chính vì không có tường bao, lượng cò về ngày càng nhiều khiến lớp phân cò rất dày làm cho đất bị mục, tơi, gặp sóng lớn càng dễ sạt. Lượng phân lớn cũng khiến cho nhiều cây, cỏ trên đảo chết dần.
|
Giải pháp đóng cọc để chăng lưới quây bèo nhằm giảm sóng đánh trực tiếp vào bờ của Ban Quản lý đã bị phá sản. |
Ông Đào Quang Thắng bổ sung thêm: Ban Quản lý khu du lịch đã có những giải pháp tạm thời khi đóng cọc bê tông xuống hồ cách bờ vài ba mét làm trụ để vây lưới thả bèo, nhằm hạn chế sóng đánh trực tiếp vào bờ đảo. Vậy nhưng sau những lần người ta tổ chức đánh bắt cá dưới hồ đã khiến những vây bèo bị vỡ làm bèo trôi gần hết, để lại những chiếc cọc chơ lơ. Diện tích đảo cứ thế dần bị thu hẹp.
Song nỗi lo của những người làm công tác quản lý đảo vẫn chưa dừng lại ở đó, theo cái thở dài của ông Soái. Là bởi, nguy cơ cò đói vì thiếu ăn đang hiển hiện. Trung bình mỗi ngày, ước tính có khoảng hai vạn cò vạc về trú ngụ trên đảo. Thế nhưng, lượng thức ăn đang cạn kiệt dần vì thuốc trừ sâu. "Ngày trước, cò đi kiếm ăn trắng những cánh đồng quanh vùng. Bây giờ, có đi chợ mua cua đồng, tép, cá về ăn cũng khó, huống hồ là cò. Vậy nên, cò phải đi kiếm ăn xa hơn trước và nguy hiểm cũng nhiều hơn, vì rất nhiều nơi thả lưới bẫy cò. Có con bay về đảo mà vẫn còn dính bẫy rồi chết", ông Soái bảo. Nhận ra những mối nguy đe dọa đàn cò vạc song những người trong ban quản lý như ông Soái, ông Thắng cũng chỉ "lực bất tòng tâm". "Giá như người ta có thể quy hoạch cánh đồng mấy ha để làm chỗ cho cò kiếm ăn thì tốt biết bao", ông Thắng ước ao.
Tôi đem nỗi trăn trở của những người trong ban quản lý khu du lịch đến trao đổi với ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam. Ông Minh hồ hởi: "Địa phương cùng huyện đã có dự án chống sạt lở bằng việc xây bờ kè toàn bộ đảo giữa. Dự án cơ bản đã hoàn tất, chỉ chờ hội thảo của các nhà khoa học về biện pháp thi công để không ảnh hưởng đến đàn cò vạc. Dự kiến tháng 6 - 7 năm nay sẽ tổ chức hội thảo, để chậm nhất cuối năm phải triển khai dự án". Thông tin này hẳn sẽ làm những người trong ban quản lý, người dân Chi Lăng Nam nức lòng. Nhưng giá như dự án ấy được triển khai sớm hơn thì có lẽ, hình ảnh những gốc sòi bật rễ, nghiêng ngả, những gốc tre chết khô nằm chơ lơ dưới lòng hồ An Dương đã không có sức ám ảnh đến thế.
Dẫu sao, dù muộn còn hơn không, những cánh cò vạc sẽ bớt chơi vơi khi dự án xây dựng bờ kè bảo vệ đảo hoàn thành.
Khu du lịch sinh thái đảo Cò có tổng diện tích 31.673ha. Đảo Cò Chi Lăng Nam nằm trọn tại xóm 1, thôn An Dương, trong lòng hồ An Dương. Hằng ngày có khoảng hai vạn cò vạc về trú ngụ trên đảo.