Biến đầm hoang thành hồ nuôi cá
Về TP Thanh Hóa đầu năm mới, chúng tôi được nghe người dân nơi đây kể chuyện về đôi vợ chồng Hiền Hoa đã bỏ công sức hàng chục năm trời khai phá khu đất hoang để trồng cây, nuôi cá phát triển kinh tế. Đặc biệt, trên diện tích hồ nuôi cá có một hòn đảo - nơi đàn cò bốn phương về sinh sống. Câu chuyện hối thúc chúng tôi đến gặp chủ nhân của đảo cò.
Quả thực cách trung tâm TP Thanh Hoá một đoạn không xa, một đảo cò đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ xa, chúng tôi đã thấy những cánh cò trắng xóa cả một vùng trời. Thời tiết hôm đó mưa rét, nhưng anh Hiền vẫn chống thuyền ra đảo thăm cò, đề phòng đám thợ săn cài bẫy bắt cò. Thấy chúng tôi đến, anh tấp thuyền vào bờ, mời khách uống nước.
|
Chiều tối, đàn cò đậu trắng xóa vùng trời. |
Nhâm nhi chén trà nóng, anh Hiền kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng thăng trầm của cuộc đời. Anh bảo, ít ai bây giờ đến đây có thể tưởng tượng được khung cảnh khu vực này khi xưa. Khu vực này trước đây có tên gọi là đầm Quai Vạc, bởi xưa kia nơi đây là một cánh đồng hội tụ rất nhiều các loài chim sinh sống, trong đó nhiều nhất vẫn là chim vạc và cò. Nhưng sau này sân bay Lai Thành được xây dựng, đàn chim bỏ đi không trở lại nữa.
Anh Hiền cho hay, những năm trước đây khu vực này là bãi hoang, không ai quản lý người dân tự do đến lấy đất để làm gạch, nhiều tầng đất mầu trên bề mặt bị lấy đi, mưa xuống nước đọng lại biến nơi đây trở thành bãi đầm lầy. Nhiều người thấy vậy đã xin với chính quyền thầu toàn bộ diện tích để khai hoang, phát triển kinh tế. Tưởng ngon ăn, nhưng khi họ bắt tay vào làm một thời gian họ phải bỏ cuộc, bởi đất đai nơi đây quá cằn cỗi.
|
Anh Hiền chống thuyền đi tuần tra đảo cò. |
Thấy nhiều người bỏ cuộc, anh Hiền đã đi tìm hiểu nguyên nhân họ thất bại, từ đó anh nung nấu ý định sẽ cải tạo khu đầm hoang hóa này. "Đến năm 1996, tôi quyết định bàn tính với vợ sẽ đấu thầu toàn bộ khu vực đầm để phát triển kinh tế, mới đầu vợ tôi cũng lo lắng. Bởi nhiều người có tiềm lực kinh tế, có đầu óc kinh doanh cũng bỏ cuộc, huống hồ gì vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Thế nhưng, sau khi nghe tôi bàn tính về hướng cải tạo, phát triển khu đầm này thì vợ tôi đã ủng hộ", anh Hiền kể.
Để cải tạo khu đầm lầy với diện tích 70 sào ruộng, việc đầu tiên vợ chồng anh Hiền làm là san lấp mặt bằng những đám ruộng nơi đây, lấy đất màu ở các nơi khác về đây làm đất nền để trồng cây cối. Vợ chồng anh phân chia thành hai khu vực, những diện tích đất trên cao sẽ cải tạo để trồng lúa và các cây trồng khác, diện tích lòng hồ sẽ dùng để nuôi cá. Vì thế, vợ chồng anh có vốn quay vòng lấy ngắn nuôi dài. Không phải vay mượn tiền của người khác.
|
Thành quả của 18 năm ươm trồng cây cối trên đảo. |
Chăm sóc, bảo vệ cò như con của mình
Vợ chồng anh Hiền đã dành nhiều thời gian, công sức để cải tạo đất trồng cây xanh. Trong diện tích 3ha của lòng hồ, anh đã đào đắp một hòn đảo giữa hồ có diện tích 0,3ha để trồng cây lấy gỗ. Nhưng lạ kỳ thay, khi cây cối bắt đầu lớn lên thì chim, cò từ khắp nơi cũng về đây neo đậu. Và khi cây cối um tùm, rậm rạp thì cò về đậu trắng cả vùng trời.
Anh Hiền cho biết: "Khi tôi xây dựng hòn đảo này với mục đích trồng cây lấy gỗ, không ngờ cò và các loài chim lại về sinh sống nhiều như vậy. Tôi có hỏi các cụ cao niên, họ bảo đó là điều tốt lành. Bởi loài cò rất kén nơi sinh sống, phải là nơi có cây cối um tùm, bình yên thì cò mơi neo đậu".
Từ ngày khu vực cây cối trong hồ có nhiều loài chim, cò về sinh sống, thợ săn đã tìm đến đây để săn bắt. Mấy năm trước có kẻ còn vác súng định vào để bắn cò, nhưng rất may anh Hiền đã có mặt để ngăn chặn kịp thời. Có hôm anh Hiền đi kiểm tra thấy có một con cò bị chảy máu ở cánh, nhìn vết thương của con vật anh đoán ngay đó là do kẻ xấu đánh bẫy. Thương chú cò quá, anh Hiền đã mang về nhà để chăm sóc, điều trị vết thương. Anh chăm sóc đến khi chú cò bình phục hoàn toàn anh mới trả về nơi sinh sống.
|
Kiểm tra kẻ xấu đặt bẫy cò. |
Từ khi phát hiện thấy cò bị đặt bẫy, ngày nào anh Hiền cũng đi vòng quanh hồ, kiểm tra từng bụi cây đề phòng kẻ xấu đặt bẫy bắt cò. Nhất là khu vực giữa lòng đảo, nơi cò sinh sống, vịêc tuần tra kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Bởi anh không muốn những chú cò của mình bị săn bắt hay đánh bẫy. Anh thương yêu những chú cò trên đảo như chính con cái ruột thịt của mình.
Anh Hiền tâm sự: "Cuộc sống này còn gì vui bằng mỗi buổi sáng được một đàn chim bay ngang qua nhà hót vang trời để đánh thức, mỗi buổi chiều ngắm đàn cò từ bốn phía bay về đậu dưới lòng đảo. Khung cảnh đó đối lập hoàn toàn với phố phường ồn ào, khói bụi mù mịt. Hằng ngày có rất nhiều các cụ già và cháu bé đến nhà tôi để ngắm nhìn đàn cò. Nhìn đàn cò bay lượn họ nhớ về những chú cò sinh sống ở đồng lúa quê hương - một khung cảnh thanh bình thơ mộng".
Vài năm trước có người về tham quan đảo cò của gia đình anh Hiền, thấy nơi đây có thể là điểm tham quan thú vị, họ ngỏ ý muốn anh nhượng lại hòn đảo với số tiền lớn. Nhưng anh Hiền nhất định không bán. "Suốt 18 năm qua tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng khu vực này. Giờ là lúc tôi được thừa hưởng thành quả từ bàn tay và khối óc của mình. Tôi muốn giữ gìn toàn bộ khu vực này để các con tôi sau này thừa hưởng, để đảo cò sẽ trường tồn mãi mãi. Vì thế, với bất cứ giá nào tôi cũng không bán đảo cò", anh Hiền cho biết.
Hiện nay, tổng diện tích đất trong đầm Quai Vạc của anh Hiền là 70 sào. Một phần diện tích trong đó anh dùng xây dựng hòn đảo trồng cây cảnh và cây lấy gỗ. Riêng diện tích hồ chăn nuôi cá, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Thời gian gần đây anh đang làm mô hình nhà hàng nổi trên hồ nuôi cá. Nhà hàng của anh thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, ăn uống.