Hình thành Khu thương mại tự do tại Hải Phòng
Tại dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Chính phủ đề xuất tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng trên cơ sở đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
|
Thành phố Hải Phòng. |
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đánh giá đề xuất này của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và TP Hải Phòng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về một số khía cạnh cần được nghiên cứu thận trọng hơn. Theo đó, căn cứ vào quy định của hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định về mô hình Khu thương mại tự do. Hiện mới chỉ có mô hình Khu công nghiệp, Khu kinh tế mở, Khu chế xuất…. Trong khi đó, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi, thuyết phục, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thành công của mô hình là nguồn lực thực hiện, trong đó có nguồn lực rất lớn phải đầu tư cho kết cấu hạ tầng, song Tờ trình chưa đánh giá và đề xuất phương án tài chính. Đồng thời, đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018 cho thấy có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách (đất đai, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính) và tại thời điểm đó nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án Luật. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.
Đầu tư cơ sở hạ tầng của Nghệ An
Nội dung của dự thảo Nghị quyết đưa ra các chính sách đặc thù tại tỉnh Nghệ An gồm: Mức dư nợ vay; bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Nghệ An để đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương; định mức phân bổ chi thường xuyên; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; về quản lý, sử dụng rừng.
|
TP Vinh, Nghệ An. |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 26 và Thông báo số 55, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra”.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như đã đặt ra tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đề xuất 4 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một là phí tham quan di tích: Phải bảo đảm một phần nguồn vốn phục vụ chi đầu tư bảo tồn và trùng tu các công trình văn hóa di tích, di sản quan trọng trên địa bàn tỉnh. Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
|
Cố đô Huế. |
Hai là huy động nguồn lực thông qua thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế: Huy động nguồn lực toàn xã hội và có cơ chế tài chính sử dụng phù hợp để huy động nguồn lực khác nhằm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa Huế, cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc hình thành Quỹ nhằm tăng cường huy động vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và được phép nhận hỗ trợ của nguồn ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trong nước ủng hộ để trùng tu di sản. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.
Ba là huy động vốn đầu tư phát triển: Để tạo điều kiện cho địa phương có cơ chế huy động thêm nguồn lực để thực hiện các dự án trùng tu, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Quy định mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không vượt quá 40% với thu ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng theo phân cấp. Điều này sẽ giúp địa phương bảo đảm trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện, chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công.
Bốn là để lại nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý: Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư. Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Top 10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam 2020