Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Chính phủ nhấn mạnh việc đảm bảo, duy trì sản xuất tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch. Đồng thời lưu ý không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ Công thương được yêu cầu tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng...
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ Ngoại giao đẩy mạnh vận động các nước và đối tác hỗ trợ tiếp cận nguồn vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin tại Việt Nam. Làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, bảo vệ tài sản và lợi ích kinh tế tại nước ngoài...
|
Chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc xin. Ảnh: VGP |
Thu hồi các khoản chi chưa cần thiết cho chiến lược vắc xin
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ đồng ý cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo cụ thể Thủ tướng trước ngày 20/6.
Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết.
Những khoản kinh phí sẽ thu hồi nêu trên được bổ sung vào nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vắc xin.
Chính phủ cũng lưu ý, căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế rà soát, quyết định bổ sung các đối tượng khác được ưu tiên tiêm vắc xin theo quy định.
Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.