Tình trạng người Việt tiếp tay mua nhà cho người nước ngoài là một trong những kiến nghị được đưa ra trong phiên làm việc của Quốc hội diễn ra ngày 27-5. Tại đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
|
Nhu cầu sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài đang tăng, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc - Ảnh: TH.
|
Nhiều tồn tại, hạn chế liên quan tới đất đai tại đô thị đã được ông Thanh đưa ra. Cụ thể, đến nay vẫn còn 5 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre và Cà Mau) chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các quy hoạch hạ tầng xã hội không đáp ứng yêu cầu.
Tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn; tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị phải đạt 3-4% nhưng thực tế chỉ đạt dưới 1%.
Ngoài ra, tình trạng bất cập liên quan tới việc triển khai các dự án BT, sử dụng đất quốc phòng, công trình văn hoá tâm linh cũng được ông Thanh đề cập.
Về việc người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội không nêu nhận định cũng như con số liên quan song đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 -2020).
Hiện nay, vẫn chưa có thống kê chính thức nào về tình trạng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Song, theo các công ty phân tích thị trường trong ngành, nhu cầu người nước ngoài mong muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam đang tăng rất mạnh.
Báo cáo năm ngoái của CBRE, công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại, cho thấy, người nước ngoài nói chung, đặc biệt là người Trung Quốc có sự quan tâm đặc biệt vào bất động sản tại tại TP.HCM trong 3 năm qua.
Trong 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ người mua căn hộ dựa trên giao dịch của CBRE là người nước ngoài chiếm 76%, trong đó 31% đến từ Trung Quốc, theo CBRE.
Khách Trung Quốc quan tâm tới bất động sản hạng sang, đặc biệt là tại TPHCM đang tăng lên qua các năm. Nếu như năm 2016, những giao dịch căn hộ hạng sang thành công của CBRE tại TPHCM là người Trung Quốc chỉ chiếm 2%, năm 2017 là 4%, thì đến 9 tháng đầu 2018, tỷ lệ người mua có quốc tịch Trung Quốc tăng lên dẫn đầu chiếm đến 31%. Bên cạnh đó, CBRE nhận thấy càng ngày càng có nhiều sự quan tâm đến từ các khách mua chưa từng đặt chân tới thị trường Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30% nên nguồn cung không lớn. Ngoài ra, cơ quan quản lý địa phương chưa áp dụng hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định vì vậy, thị trường thứ cấp đã bị đóng băng. Nhiều tỉnh thành chưa có hệ thống thống kê việc thay đổi quyền sở hữu từ của người Việt sang người nước ngoài.
Trong 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ người mua căn hộ dựa trên giao dịch của CBRE là người nước ngoài chiếm 76%, trong đó 31% đến từ Trung Quốc, theo CBRE.