Do có mâu thuẫn với nhân viên của anh Nguyễn Minh Thắng (ngụ số 72, phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội), Nguyễn Hữu Phúc (SN 1980, ngụ tổ 7, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) nảy sinh ý định nổ mìn ốp vào nhà trả thù.
“Trả đũa” bằng ốp mìn
Kết quả điều tra xác định, vào tháng 12/2014, nhân viên anh Thắng lái xe máy đến nhà Phúc chơi. Sau đó Phúc mượn xe máy đi có việc, xong về trả chìa khóa. Một lúc sau phát hiện mất xe máy, Phúc bị cho rằng đã dàn dựng vụ mất trộm để chiếm đoạt tài sản.
|
Ba bị cáo bị cáo bị tuyên tổng mức án 46 năm tù. |
Bốn ngày sau, chủ xe hẹn Phúc đến quán nước của Từ Anh Tuấn (SN 1979, ngụ tổ 30, phường Thượng Thanh) ở cổng bệnh viện đa khoa Đức Giang nói chuyện bồi thường việc mất xe. Tại đây Phúc bị đánh, từ đó bàn chuyện trả thù với Tuấn. Lúc đầu Tuấn nói dùng dao kiếm nhưng Phúc bảo “có gan thì ốp thẳng mìn” vào nhà đối thủ. Tuấn đồng ý và nói quê mình ở Quảng Ninh, làm mỏ than hay dùng thuốc nổ, có thể kiếm được.
Sau đó mấy ngày, biết Tuấn về Quảng Ninh, Phúc đưa 500 ngàn đồng nhờ mua thuốc nổ nhưng không mua được. Sau đó không lâu, Đinh Công Tuân (SN 1992, quê Yên Bái, không có chỗ ở cố định, là bạn Phúc) trong một lần về quê giữa tháng 12/2014 đã được Phúc nhờ mua gói thuốc nổ khoảng 1 lạng với giá 50 ngàn đồng.
Có thuốc nổ, ngày 16/2/2015, Phúc bảo Tuấn đi mua ống nhựa, diêm về chế tạo mìn với ý đồ đem tới đặt trước cửa nhà anh Thắng ở số 72 phố Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên) trả thù việc “đàn em” anh Thắng đánh Phúc trước đó.
Tuấn đến cửa hàng bán đồ điện nước mua ống nhựa, keo dán, 5 bao diêm. Phúc tách phần diêm sinh đầu que diêm làm chất dẫn cháy. Cả hai bàn bạc tầm 2h sáng hôm sau sẽ đem mìn đi đặt. Để có thời gian tháo chạy, các đối tượng dự định đốt que nhang để nhang cháy đến phần ngòi, quả mìn sẽ nổ.
Dặn dò xong, Phúc về quê ở Bắc Ninh ăn Tết. Khoảng 2h sáng ngày 17/2/2015 (nhằm 29 Tết Ất Mùi) Tuân dậy sớm lấy mìn tự chế gọi Tuấn dậy đi đặt. Cả hai chạy xe máy tới nhà anh Thắng thực hiện kế hoạch đã bàn bạc trước đó.
Tuấn và Tuân đặt quả mìn tự chế, đốt cháy sáu que nhang rồi tháo chạy, nhưng may mắn nhang cháy một đoạn thì tắt vì trời băt chợt đổ mưa. Mìn không nổ, thực tế không gây thiệt hại gì.
Khoảng 8h sáng ngày 17/2, chủ nhà phát hiện quả mìn tự chế trước cửa nhà liền trình báo công an. Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội kết luận chất bột trong ống nhựa trước cả nhà anh Thắng là thuốc nổ công nghiệp, trọng lượng 42 gam.
Nếu quả mìn nổ thì bán kính sát thương gây ra khoảng 1 - 2m. Qua sàng lọc đối tượng, ngày 26/2, Tuấn bị bắt, đến ngày 2/3 Tuân bị bắt và ngày 30/7 Phúc sa lưới theo lệnh truy nã.
Dọa nạt, hay mục đích gì?
CQĐT nhận định, hành vi chế tạo và sử dụng trái phép vật liệu nổ của các đối tượng, nếu chiểu theo Thông tư liên ngành của Bộ Nội vụ - VKSNDTC-TANDTC ngày 7/1/1997 thì lượng thuốc nổ 42 gam/1kg không đủ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau đó CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra Phúc, Tuân, Tuấn và ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định theo nghị định 176/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên CQĐT xét thấy việc quả mìn không nổ là ngoài ý muốn của các đối tượng. Do đó đủ căn cứ truy tố ba đối tượng trên về tội “Giết người”.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/9/2016, Phúc nhận hết mọi việc đều do bản thân sắp đặt. Vì nhiều lần người làm thuê cho nhà bị hại gọi điện đe dọa, thậm chí đánh nên bị cáo bức xúc. Bị cáo là người trực tiếp chế thuốc nổ bởi từng ở trại tạm giam tham gia phá đá bằng mìn công nghiệp. Theo bị cáo Phúc, với lượng thuốc nổ 42g chỉ để dọa cho người khác sợ, không thể dẫn đến chết người.
Còn bị cáo Tuấn khai quen biết Phúc được bốn tháng thì xảy ra sự việc trên. Khi Tuấn gọi điện thì thấy bạn nói đang ở bệnh viện vì đau đầu và kể việc bị đánh ở quán nước nhà mình. Tuấn từng được Phúc giao nhiệm vụ “thám thính” nhà anh Thắng nhưng bị cáo lại “quên”.
Trong khi đó, bị cáo Tuân cho rằng được Phúc phân công nhiệm vụ mang thuốc nổ đến nhà để chế mìn mà… “không biết mục đích chế tạo mìn, chỉ mua vật dụng vì được nhờ”. “Bị cáo mua thuốc nổ ở cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) mang về cho Phúc.
Còn việc chế tạo hay sử dụng như thế nào bị cáo không biết. Bị cáo đốt sáu que nhang đặt trước cửa nhà anh Thắng. Sau đó, dán băng keo vào cửa rồi bị cáo về nhà ngủ, không quay lại kiểm tra”, Tuân khai. Chủ tọa phản bác, việc Tuân cầm “vật thể lạ” trên tay mà không biết là gì, là hết sức vô lý.
Về phía người bị hại cho biết mâu thuẫn của nhân viên với nhóm bị cáo anh không hay biết. Ngôi nhà của anh đang sống có ba tầng với bốn người ở bên trong vào thời điểm bị ốp mìn. Chưa kể vợ anh Thắng lúc đó đang mang thai.
Buổi sáng hôm ấy, khi vừa mở cửa, anh thấy có một bưu phẩm được bọc báo cẩn thận. Khi mang vào bên trong mở ra mới tá hỏa khi biết đó là thuốc nổ. “Hôm đó may mà trời mưa nên cây nhang chỉ cháy hết một phần rồi tắt. Nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, lời bị hại.
Cũng theo anh Thắng vì gia đình không có thiệt hại nên không yêu cầu bồi thường. Bị hại cho biết khi ra tòa mới biết mặt ba bị cáo. Anh không có mâu thuẫn gì với nhóm bị cáo. Gia đình anh sinh hoạt ở tầng 1 chứ không phải tầng 2 hoặc 3. Nếu các bị cáo ăn năn hối cải, anh cho rằng sẵn sàng xin giảm nhẹ hình phạt.
Tranh cãi Luật sư – Kiểm sát viên
Mặc dù như đã nói, theo Thông tư liên ngành năm 1997 thì quả mìn trên chỉ là “mìn muỗi”, nhưng đại diện VKS vẫn cho rằng quả mìn có khả năng sát thương trong bán kính từ 1-2m: “Nếu trong nhà đi ra có thể gây chết người. Các bị cáo đều nhận thức được khả năng quả mìn gây nguy hiểm tính mạng người khác.
Mặc dù hậu quả không xảy ra nhưng đây là hành vi nguy hiểm. Với mâu thuẫn bình thường trong cuộc sống là nghi ngờ lấy trộm của nhau, các bị cáo đe dọa dùng thuốc nổ để trả thù”, công tố viên nói.
Vẫn lời vị này: “Đã vậy, trong quá trình thực hiện các bị cáo còn che giấu hành vi phạm tội của mình. Cụ thể Phúc không cho Tuấn và Tuân biết cách làm thuốc nổ như thế nào.
Tuy nhiên, cả ba có sự bàn bạc khi Tuân mua nguyên vật liệu, Phúc trực tiếp chế mìn, còn Tuấn đi thám thính”. Đại diện VKS truy tố các bị cáo về tội “giết người” với tình tiết có tổ chức, tính chất côn đồ và giết nhiều người.
Không đồng ý quan điểm trên, luật sư bào chữa cho ba bị cáo đều cho rằng số thuốc nổ 42g là lượng thuốc có trọng lượng nhỏ chỉ đủ làm đổ cửa, cong vênh hay vỡ khung nhôm kính. Ngoài ra, người ở tầng 2 và 3 chỉ nghe thấy tiếng nổ chứ không thể gây chết người. Vụ án không có nạn nhân, không trực tiếp tước đoạt mạng sống của người khác, nên truy tố các bị cáo tội giết người là không thỏa đáng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng từ việc nhân viên của bị hại đánh bị cáo Phúc mới dẫn đến sự việc như trên. Việc đặt mìn, bị cáo không có ý định giết người. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi bố mẹ đã mất, bị cáo không biết chữ, có hai con nhỏ, sức khỏe yếu, nên mong nhận đượng sự khoan hồng của pháp luật.
Đại diện VKS vẫn cho rằng các bị cáo sử dụng thuốc nổ có tính sát thương cao. Nếu ai ở vòng nguy hiểm có thể chết. Công tố viên lấy dẫn chứng vụ nổ ở Thông Phong (quận Đống Đa xảy ra hồi tháng 9/2015) khiến một người đi đường tử vong khi vô tình đi ngang qua để chứng minh.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc 16 năm tù, Tuấn và Tuân đồng mức án 15 năm tù về tội giết người.
>>> Mời quý độc giả xem video về tác hại của bom mìn (nguồn VTV):