Cho đến trước thềm Đại hội VI, cỗ xe đổi mới đã đi được một chặng đường quan trọng. Lúc này, những người cầm lái đứng trước trách nhiệm chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng.
|
Các vị lãnh đạo cấp cao bỏ phiếu tại Đại hội VI - Ảnh tư liệu |
Phải chọn người đổi mới
Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về công tác tổ chức từ ngày 3 đến 4/10/1986, khi đề cập đến danh sách dự kiến của tiểu ban tổ chức và nhân sự trình Bộ Chính trị về số ủy viên trung ương tiếp tục ứng cử và không ứng cử ở Đại hội VI, Tổng bí thư Trường Chinh đã tỏ ra không hài lòng: “Việc bố trí nhân sự đến nay còn khá ngổn ngang”. Trong khi chỉ còn hai tháng là khai mạc Đại hội 6.
Ông nói: “Có một số đồng chí mà chúng ta đã biết rõ là không tán thành hoặc có khuyết điểm nghiêm trọng trong việc thực hiện nghị quyết trung ương 8, các nghị quyết 28, 31 của Bộ Chính trị (các văn kiện có nội dung đổi mới tư duy kinh tế, bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp) cần cho thôi kỳ này thì lại vẫn được giới thiệu ứng cử... Có những đồng chí trong cuộc đấu tranh bảo vệ nghị quyết trung ương 8 tỏ ra rất kiên cường, bảo vệ quan điểm đúng đắn, cần tiếp tục giới thiệu ứng cử vào trung ương khóa VI thì lại cho thôi...”.
Hơn 30 năm đã trôi qua, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) vẫn còn nhớ như in phát biểu của Tổng bí thư Trường Chinh trước thềm Đại hội VI: “Bố trí đúng cán bộ lúc này trước hết phải căn cứ vào quan điểm của cán bộ đó, phải là cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt. Năng lực, phẩm chất hiện nay phải thể hiện trước hết ở sự đổi mới tư duy và ở khả năng, triển vọng tiếp thu cái mới, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc làm chuyển biến tình hình”.
Ông Hương nói: “Lúc bấy giờ có những nhân sự từng được quy hoạch vào vị trí rất quan trọng trong Đảng đã được “rút ra”. Ngược lại có những trường hợp từng ra khỏi Bộ Chính trị, nhưng qua thực tiễn chứng minh đã trở lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chuẩn bị nhận lãnh trọng trách như đồng chí Nguyễn Văn Linh”.
Cũng tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 3/10/1986, hai vấn đề nguyên tắc quan trọng được Tổng bí thư Trường Chinh nêu lên. Đầu tiên là phải thực hiện một bước dân chủ hóa công tác tổ chức, cán bộ, “sửa đổi quan niệm lâu nay coi công tác cán bộ chỉ là việc của một số người, của ban tổ chức”. Việc thứ hai, “Để chuẩn bị đại hội, chúng ta lập tiểu ban nhân sự, song cần nói rõ rằng tiểu ban nhân sự là người chuẩn bị giúp Bộ Chính trị trình trung ương chứ không phải là cơ quan quyết định các vấn đề nhân sự”.
“Buộc phải chấp nhận những việc đã rồi?”
Bài phát biểu của Tổng bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Bộ Chính trị nêu trên cũng cho thấy ông hết sức quan tâm đến việc bố trí một số nhân sự cụ thể.
Ông nói: “... Chưa đầy nửa tháng nữa là Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khai mạc mà đến nay mới có đề nghị để đồng chí Nguyễn Thanh Bình về làm bí thư Thành ủy. Lẽ ra phải chuẩn bị sớm để đồng chí Bình có đủ thời gian đích thân tham gia việc lựa chọn nhân sự của Thành ủy, là những người sẽ cộng tác chặt chẽ với đồng chí đó suốt nhiệm kỳ tới; nhất thiết không nên để đồng chí Bình khi về Hà Nội sẽ buộc phải chấp nhận những việc đã rồi. Chúng ta dự kiến đưa đồng chí Nguyễn Công Tạn làm chủ tịch, tôi nghe anh em nói đồng chí đó là người tốt song lại chuyên về nông nghiệp; vậy vì sao lại bố trí làm chủ tịch thủ đô là trung tâm kinh tế và công nghiệp?”.
Lần giở lại lịch sử Đảng bộ thủ đô, tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 10/1986, ông Nguyễn Công Tạn được bầu vào Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, giữ chức phó bí thư. Tuy nhiên chỉ năm tháng sau, đến tháng 3/1987, ông Tạn được điều lên trung ương và sau đó được Quốc hội phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Tổng bí thư Trường Chinh đề nghị: “Các anh Sáu Thọ (đồng chí Lê Đức Thọ), Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Đức Tâm (trưởng Ban Tổ chức trung ương) và tôi trong Ban Bí thư sẽ cùng Ban Bí thư chuẩn bị, có Ban Tổ chức trung ương giúp việc tập hợp hồ sơ, bảo đảm đúng cách làm, bước đi, quy trình, thủ tục xét duyệt để trình Bộ Chính trị. Khi có vấn đề quan trọng và cần thiết, có thể tham khảo ý kiến các đồng chí khác trong Bộ Chính trị.
Chẳng hạn chúng tôi vừa làm việc với anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng) và điều đó là cần thiết, mặc dầu anh Tô không ở trong tiểu ban nhân sự; hoặc trao đổi với anh Hùng (đồng chí Phạm Hùng, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm giữ chức bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) khi xem xét bố trí cán bộ thuộc khối an ninh, nội chính; trao đổi với anh Dũng (đại tướng Văn Tiến Dũng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng) về cán bộ quân đội... Tôi cho rằng cách làm đó sẽ tốt hơn”.
Về cách làm cụ thể, ông Nguyễn Đức Tâm (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Tổ chức trung ương từ 1980-1991) thuật lại: “Trong quá trình chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội V và Đại hội VI, anh Sáu Thọ luôn nhắc chúng tôi phải chú ý phương châm: thận trọng, dân chủ. Với từng trường hợp, trên cương vị là trưởng ban nhân sự đại hội, anh Sáu đều bố trí thời gian nghe một cách chăm chú và hỏi lại cặn kẽ những chi tiết còn chưa thật rõ. Trường hợp nào anh cũng nêu câu hỏi “ý kiến cơ sở như thế nào?”.
Nếu có vấn đề còn phân vân, anh kiên quyết đề nghị cơ quan tổ chức phải thẩm tra lại. Sau khi đã cân nhắc kỹ mọi mặt, anh quyết định một cách dứt khoát. Đặc biệt đối với các đồng chí được giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì anh càng thận trọng xét đi xét lại rất kỹ lưỡng, báo cáo Bộ Chính trị rồi trao đổi lại với từng người một, cứ như vậy đến khi có sự nhất trí trong Bộ Chính trị rồi mới giới thiệu ra trung ương”.
Sau Hội nghị Bộ Chính trị bàn về công tác tổ chức tháng 10/1986, Hội nghị Trung ương 11 (khóa V) họp từ ngày 17 đến 25/11/1986 đã thảo luận kỹ vấn đề nhân sự, là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho Đại hội VI. Chiều 17/12/1986 trong ngày làm việc thứ ba, đại hội tiến hành bầu cử với kết quả: 173 nhân sự trúng cử trung ương khóa VI.
“Đến nay, sau 30 năm nhìn lại Đại hội VI, đặt trong bối cảnh tình hình đất nước lúc bấy giờ, kết quả bầu cử của Đại hội VI có thể khẳng định là một sự thành công lớn về tổ chức. Chúng ta vẫn thường hay nói với nhau rằng trong cuộc sống, không có gì tuyệt đối 100%. Điều quan trọng nhất là Đại hội VI đã bầu ra được “đội hình nhân sự” tiếp tục đà đổi mới mà đại hội đã khởi động” - ông Nguyễn Đình Hương nói.
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều đia phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất - Ảnh tư liệu
|
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều đia phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất - Ảnh tư liệu |
Đại hội VI diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào quá trình đổi mới. Tinh thần đổi mới đó phải được thật sự thể hiện ngay trong thời gian tiến hành đại hội.
Cụ thể là phải làm đúng điều lệ Đảng, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ dân chủ trong thảo luận cũng như trong bầu cử Ban Chấp hành trung ương. Từ cách thức cũng như thủ tục ứng cử, đề cử, bầu cử, công bố kết quả... đều phải toát lên tinh thần đổi mới, thể hiện bầu không khí thật sự dân chủ trong đại hội”.
Tổng bí thư Trường Chinh