Mặc dù sinh sống dưới lòng hồ Thủy điện nhưng gia đình nhà bà Nguyễn Thị Tuệ (52 tuổi - xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), người được ví khổ như chị Dậu, nổi tiếng khắp vùng. "Nhà Vui - Tuệ đúng không? Ở giữa xóm Tháu đó. Đường vào nhà nó hơi phức tạp đấy. Không có thuyền không vào được đâu. Nhà nó nghèo nhất vùng này thì ai mà chẳng biết", một người đàn ông trên đường Âu Cơ (TP. Hòa Bình) trò chuyện khi chúng tôi hỏi đường đến nhà bà Tuệ.
Hai vợ chồng ung thư nuôi con trai điên dại
Đúng như lời người đàn ông chỉ đường, sau chừng 20 phút đi thuyền vào xóm Tháu, chúng tôi đã gặp được gia đình bà Nguyễn Thị Tuệ. Thấy chiếc thuyền chở khách lạ chuẩn bị cập bến, một cậu thanh niên khuôn mặt ngờ nghệch vội vã chạy từ chiếc lán bên cạnh về nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất nó chỉ là một chiếc bè nổi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Cậu thanh niên có khuôn mặt ngờ nghệch ấy tỏ vẻ vui mừng khi có khách lạ ghé thăm.
"Em tên là Nguyễn Văn Mạnh, con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Mạnh bị não bẩm sinh. 17 tuổi mà em nó cứ ngây ngô có biết gì đâu. Lúc vui vẻ thì không sao, thỉnh thoảng nó còn lên cơn đập phá, chửi bới bố mẹ. Lâu lắm mới có người đến nhà chơi, Mạnh nó mừng lắm đó", bà Tuệ cho hay.
|
Căn nhà gia đình bà Nguyễn Thị Tuệ đang sinh sống. Ảnh Kim Thược |
Căn phòng rộng chưa đến 15m vuông nhưng được gia đình bà Tuệ dùng vào nhiều mục đích khác nhau.
Vừa nấu ăn, vừa ngủ vừa để dụng cụ đánh bắt cá. Trong mớ chăn màn cũ kĩ, người đàn ông tóc hoa râm ho lụ khụ nằm co ro giữa sàn nhà ẩm ướt. Ông tên Nguyễn Văn Vui (55 tuổi) chồng bà Tuệ, một bệnh nhân mới phát hiện bệnh U phổi.
Bà Tuệ kể lại: "Từ ngày phát bệnh, ông Vui chỉ nằm một chỗ. Mọi công việc trước đây của ông Vui tôi làm hết. Hai vợ chồng suốt ngày ăn rồi đi bệnh viện, giờ hết tiền đi bệnh viện thì nằm nhà thôi".
Nói rồi bà Tuệ chạy vào bên trong cầm ra quyển sổ màu hồng và vài tờ kết quả khám chữa bệnh. Bà buồn rầu: "Chẳng biết trời đày vợ chồng tôi hay sao mà cho lắm bệnh thế. Ăn rồi suốt ngày đi bệnh viện thôi. Hết con dại rồi lại đến chồng U phổi. Mới đây, tôi lại phát hiện thêm bệnh Xơ gan, U xơ tử cung. Cái bướu cổ này có lâu rồi nhưng không chết ngay được nên chưa đi mổ. May mà đến viện kịp đó, không thì đã chết không gặp được các cô rồi".
|
Em Nguyễn Văn Mạnh (17 tuổi), con trai bà Tuệ. Ảnh Kim Thược |
Khuôn mặt khắc khổ của bà Tuệ bỗng co rúm lại khi ông Vui bò dậy và kéo một tràng ho dài. "Mấy hôm nay lạnh nên ông ấy ho nhiều lắm. Có đêm thức trắng không ngủ được vì ho. Giờ có tuổi rồi, không có sức ho nhiều. Mỗi lần lên cơn ho, cơ thể mệt rã rời, ánh mắt dại đi vì mệt".
Trước đây còn khỏe, hàng ngày hai vợ chồng đánh cá làm kế sinh nhai. Ngày nào "sóng yên biển lặng" cũng kiếm được vài trăm nghìn chi tiêu. Thế nhưng, từ ngày phát hiện mắc bệnh ung thư, cả hai vợ chồng đâm ra suy sụp tinh thần. Con cái ngô nghê không có chỗ dựa, hai vợ chồng lại bệnh tật liên miên khiến gia cảnh của gia đình bà Tuệ vốn đã nghèo càng trở nên khốn khổ.
Từ lúc bước vào căn nhà nổi, bà Tuệ vẫn chưa tìm được chỗ cho khách ngồi. Ông Vui vừa dứt cơn ho nên có thể ngồi dậy trò chuyện cùng khách. "Tôi giờ có làm được việc gì đâu. Ăn bám vợ con thôi. Bệnh này phát hiện sớm nên bác sĩ bảo còn chữa trị được. Mới đầu còn có tiền đi bệnh viện, uống thuốc Tây, bây giờ hết tiền chuyển sang uống thuốc lá. Biết là chữa được nhưng gia cảnh như thế này thì nằm chờ chết thôi".
|
Tải sản lớn nhất của gia đình là đàn chó con. Ảnh Kim Thược |
Bán chó con cũng không đủ tiền chữa bệnh
Được biết, trước khi phát hiện bị U phổi, ông Vui có thời gian dài làm công nhân trong hầm than. Vợ chồng lấy nhau, hai bên gia đình nghèo không có ruộng đất nên họ tìm đủ nghề để kiếm sống. Nhà cửa, vốn liếng không có nên họ đành kéo nhau xuống sông tìm kế sinh nhai. Lấy nhau đã lớn tuổi nên khi chuẩn bị có mụn con thì mừng rỡ, nhưng số phận trớ trêu.
Ông Vui chẹp miệng: "Tôi ít chữ, không biết nói hay. Chỉ thấy hàng xóm họ bảo, vợ tôi nó khổ hơn chị Dậu. Mà đúng khổ thật, bà Tuệ còn đang tính bán đàn chó con cho tôi đi chữa bệnh". Trong lúc chúng tôi trò chuyện với ông Vui, bên ngoài tiếng chó sủa ầm ĩ và đàn gà con kêu chép chép ngoài bè.
|
Bà Nguyễn Thị Tuệ. Ảnh Kim Thược |
Bà Tuệ đang dở câu chuyện đứng lên xin lỗi khách ra ngoài cho gà ăn. Theo chân bà Tuệ ra ngoài để mục sở thị khối tài sản đáng giá nhất của đôi vợ chồng già. Cầm nắm gạo vãi ra bè, một đàn gà con ùa đến. "Nuôi gà trên này khó lắm cô ạ. Nhốt thì nó không lớn được. Thả ra không cẩn thận là rơi xuống hồ chết. Nuôi cả đàn mấy chục con mà giờ còn lại có từng này. Mong chờ từng ngày nó lớn còn bán có đồng ra đồng vào".
Thời tiết cuối tháng 2 vẫn lạnh giá, bà Tuệ chân trần lội bì bõm dưới bè nước tiến lại chiếc lồng phía sau nhà. Chiếc lồng nhốt bên trong 4, 5 con con chó con, bà Tuệ vừa cười vừa nói: "Đây, tài sản lớn nhất của chúng tôi đây. Bán mấy con chó con này chắc cũng được năm, sáu trăm ngàn. Giá chó con ở đây chỉ được khoảng 100 ngàn một con. Cũng đủ một lần cho ông Vui ra bệnh viện tỉnh khám bệnh".
"Sao chị không nuôi chúng nó lớn rồi bán, sẽ được nhiều tiền hơn?". Nghe câu hỏi của chúng tôi, mắt bà Tuệ đỏ hoe: "Người còn không có gạo mà ăn, lấy gạo đâu nuôi chó. Chúng nó ăn khỏe lắm. Mỗi ngày cũng hết bơ gạo. Vậy nên phải bán đi chứ không nuôi được".
Sợ chúng tôi không tin nên bà Tuệ kéo chúng tôi quay trở lại căn bè. Bà Tuệ mở từng vung nồi cơm giới thiệu cho khách: "Đây là cháo với bí ngô, hai vợ chồng nấu để ăn cả ngày. Còn đây là nồi cơm của thằng Mạnh. Nó không thích ăn cháo, nhà lại không có rau, không có thức ăn nên phải nấu cơm nếp. Chồng ốm đau bệnh tật vậy mà quanh năm suốt tháng chỉ ăn có cháo trắng".
Từ khi chúng tôi bước xuống căn nhà của vợ chồng bà Tuệ, anh Lương Bá Hùng (28 tuổi) người lái thuyền cho chúng tôi vẫn ngồi đó. Là người sống cùng xóm nên anh Hùng quá hiểu về gia đình bà Tuệ. "Trước bà Tuệ còn khỏe hay lên bờ đi làm thuê cho nhà tôi. Bà Tuệ chịu khó, việc gì cũng làm nhưng chỉ tội là không có đất trồng cấy, chăn nuôi. Ngày nào đánh được con tôm con cá mang xuống chợ bán còn có tiền. Giờ cả nhà ốm yếu nên không biết trông chờ vào ai. Bệnh tình của ông bà còn chữa được nhưng gia cảnh nghèo khó nên không có tiền đi viện. Chỉ mong sao có ai đó giúp đỡ được gia đình họ", anh Hùng nói.
Chiếc thuyền máy đưa chúng tôi quay trở lại bờ. Từ khi vào đến khi đi, cậu con trai bà Tuệ vẫn giữ nguyên một cụ cười ngờ nghệch. Cậu không có bạn, không được lên bờ và lâu lắm rồi mới có người tới chơi. Ánh mắt tiếc nuối, Mạnh đứng trước căn bè vẫy tay chào chúng tôi cho đến khi bóng chiếc thuyền máy khuất dần sau núi.