Cuộc điện thoại định mệnh...
Vẻ bề ngoài thấp đậm, đôi mắt to, vằn đỏ, Bùi Hải Bài, SN 1957, ở Móng Cái, Quảng Ninh, dễ khiến người ta ngần ngại khi tiếp xúc. Thế nhưng lúc trò chuyện, ông ta lại tỏ ra cởi mở. Có thể mấy chục năm lăn lộn đủ để Bài có cách xử trí thích hợp với hoàn cảnh. Thái độ niềm nở đến nhũn nhặn, Bài chỉ nói về vợ con, tuyệt không một lời về ông chủ trước kia của mình, cho dù chỉ là một lời nhận xét.
Gần 60 tuổi đời, ông ta thừa khôn ngoan để hiểu rằng điều gì cần tâm sự. Hỏi Bài sao lại giúp việc cho anh em Nguyễn Tiến Phương, đáp lại chỉ là tiếng cười và câu trả lời: “Buôn có bạn, bán có phường. Tôi tham gia buôn bán chứ có giúp việc cho ai đâu. Thương trường là chiến trường mà”.
Không hé lộ thân phận, Bài kể, từ chỗ nối nghiệp gia đình đi buôn mà quen anh em Phương rồi kết hợp cùng làm ăn. Ở cái tuổi đã quá nửa đời bôn ba, nhiều phen bầm dập với thương trường nên Bài thừa kinh nghiệm để tiếp chuyện, dẫn dắt người khác theo ý mình.
Ngay cả khi vào tù, Bài vẫn giữ quan điểm càng ít người biết về mình càng tốt. Anh ta trả lời rất chung chung, không kêu oan hay đổ lỗi cho người khác mà chỉ một mực nói rằng “tôi không giết ai cả”. Quả đúng vậy, Bài không giết ai, nhưng từ cuộc điện thoại bẩm báo của anh ta mà có hai thanh niên trẻ thiệt mạng.
Dưới trướng anh em ông trùm Phương Ninh Hột, nhiệm vụ của Bài là cùng những người khác kiểm soát khu vực bến Lục Chắn ở cửa khẩu Móng Cái, nơi đưa hàng hóa sang Trung Quốc qua sông Ka Long. Để độc chiếm thị trường, Phương và đám tay chân dùng mọi thủ đoạn để giành quyền kiểm soát khu vực này.
Nhiều Cty, doanh nghiệp muốn đưa được hàng của mình xuất sang bên kia biên giới phải nộp “tô” cho Phương thì hàng mới ra nước ngoài trót lọt. Vì cái kiểu làm ăn ấy mà rất nhiều người hận Phương trong đó có Lê Hữu Vinh, Phó GĐ Cty Hồng Kông.
Theo tài liệu của CQĐT, vì muốn chuyến hàng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc nên Vinh chủ động gọi điện xin Phương cho đi nhờ nhưng vì mâu thuẫn nên Phương từ chối khéo với lý do đang làm cầu. Bực tức, Vinh chửi Phương và hẹn đánh nhau.
|
Phạm nhân Bùi Hải Bài. |
Chiều ngày 29-5-2009, Vinh cùng Lê Văn Điệp, Nguyễn Văn Trí và 4 người khác đi xe máy vào Trạm Bộ đội biên phòng xin xuất hàng qua biên giới và được đồng ý. Điệp, Trí cùng Đoàn Quyết Chiến ở lại bến Lục Chắn, xã Hải Sơn, chờ xuống hàng, còn Vinh cùng những người khác đi ô tô về TP Móng Cái.
Bùi Hải Bài là người đầu tiên phát hiện người của Vinh ở khu vực cửa khẩu nên điện báo cho ông trùm. Phương chỉ đạo em trai đưa người tới xử lý. Ngay sau đó một trận xô xát có vũ khí xảy ra, mà kết quả là hai anh Điệp và Trí bị đánh trọng thương. Ông trùm chỉ đạo đưa người bị thương sang Trung Quốc “điều trị” để rồi cả hai người bị thương đều bị sát hại, vứt xác phi tang. Sau khi vụ việc vỡ lở, anh em ông trùm tra tay vào còng.
Bài và những đồng bọn khác cũng không tránh khỏi vòng lao lý. Tại phiên tòa sơ thẩm, Bài bị kết án 15 năm tù, nhưng đến phiên tòa phúc thẩm rồi giám đốc thẩm thì án của Bài là 20 năm tù. “Tôi không giết người, gia đình nạn nhân cũng không yêu cầu tôi phải bồi thường vậy mà án của tôi lại tăng lên”, Bài nói với thái độ không phục.
Hỏi Bài có bao giờ cảm thấy lăn tăn vì cái chết của hai thanh niên vô tội, Bài bảo “khó nói lắm vì không phải ai cũng hiểu cho hoàn cảnh của tôi”.
Và nỗi lo vợ dại con thơ
Quá nửa đời người bôn ba thương trường nên Bài có vẻ khôn ranh của người từng trải, nếm đủ mùi thắng thua, được mất. Ông ta khoe có 4 con trong đó đứa đầu đã học xong THPT còn đứa út giờ đang bi bô tập nói. Hỏi Bài một bên vợ, một bên con, lo bên nào nhất, anh ta đáp: “Vợ”.
Nhà mấy đời làm nghề buôn bán, bản thân Bài cũng ra thương trường từ sớm nên chuyện con cái học hành đến nơi đến chốn hay bỏ dở giữa chừng, với Bài không quan trọng. Với lý lẽ “chán học chữ thì học buôn”, ông ta cười rất tự tin khi nhắc đến con cái. Bài chỉ sợ chúng dính vào nghiện ngập, dính vào ma túy, ketamin… thì “có mà giời chữa, lúc đó chỉ có bán nhà đi cho chúng nó đập đá thôi”.
Người mà Bài cảm thấy bất an nhất lại là cô vợ trẻ xinh đẹp. Theo lời Bài thì vợ anh ta từ ngày lấy chồng chỉ biết đẻ con và đi chợ mua thức ăn, chưa phải lo kinh tế bao giờ cả, không biết sau biến cố chồng đi tù thế này sẽ phải xoay xở ra sao.“Tôi lo nhất là vợ, một mình với đàn con, chồng lại đi tù thế này, lại đi lâu nữa, chẳng biết rồi sẽ xoay xở ra sao. Lắm lúc tôi chỉ lo cô ấy nản chí rồi sinh chuyện thì thật là….”, Bài bỏ dở câu nói như thể sợ nói ra điều đó sẽ trở thành sự thật. Hóa ra cũng có lúc ông ta biết sợ, dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ.
Về trại Nam Hà thi hành bản án 20 năm tù, Bài được phân công về đội văn hóa, cải tạo. Công việc của ông ta hàng ngày là đọc báo, thu thập tin tức và những điều cần tuyên truyền theo đợt, theo tháng để viết thành một bản tin cho mỗi sáng. Ngoài ra, Bài còn tham gia vào đội văn nghệ, ở các tiết mục song ca, tốp ca.
Ông ta khoe, thường các dịp cuối năm được đi diễn ở các phân trại và được ra cả ngoài trại biểu diễn cho đơn vị kết nghĩa. Hỏi Bài ngày ở nhà có thích hát và hay hát không, ông ta lắc đầu: “Vào đây buộc mình phải thích nghi, phải tìm cho mình niềm vui làm động lực phấn đấu. 20 năm tù chứ có phải ít đâu”. Có thể sau rất nhiều đắn đo, cân nhắc và cả những tính toán, Bùi Hải Bài đã xác định được lập trường sống của mình và ông ta chọn cách sống vui vẻ, hòa đồng như một lựa chọn thông minh nhất để giành cơ hội sớm được đoàn tụ với gia đình. Hỏi Bài vợ con có hay thăm không, ông ta cười ranh mãnh: “Tháng nào cũng đến, có lần còn có cả hoa nữa”.
Ba năm cải tạo tiến bộ, Bài được phép gặp vợ trong căn buồng hạnh phúc. Lần gặp vợ ấy, Bài bảo, trong lòng rất run và hồi hộp vì chưa hình dung cảnh tâm sự với vợ có người canh chừng, tính thời gian sẽ thế nào. Bài bảo ngày còn ở nhà, chỉ có ông ta là người có quyền lựa chọn nhưng khi vào đây, mọi chuyện đã thay đổi.
“Tôi chẳng mong gì ngoài việc vợ con tôi ở nhà sống trong bình an và đùm bọc lẫn nhau. Về phần tôi án có dài thật nhưng tôi sẽ cố gắng để sớm trở về với gia đình”, Bài tâm sự. Ông ta bảo không trực tiếp gây nên cái chết cho hai thanh niên Trí và Điệp nhưng đôi lúc cũng suy nghĩ khi có ai đó kể chuyện về một cái chết nào đó do sự gián tiếp gây ra. Thì ra con người ta dù có sắt đá đến mấy cũng có lúc mềm yếu. Không hiểu người như Bùi Hải Bài, một năm ông ta có mấy lần mềm lòng như vậy...