Những ngày qua, câu chuyện T.T.Đ (15 tuổi), trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Tuy Hòa, Phú Yên), trèo trụ điện cao áp và bị phóng điện khiến cơ thể bị thương 42%, một lần nữa cảnh báo về những trò nghịch dại của học sinh.
Hiện nay, Đ. điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, vì vết bỏng quá nặng. Đáng nói, lý do nam sinh này trèo lên cột điện xuất phát từ lời khích bác của bạn cùng lớp.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, đầu tháng 11 vừa qua, T.T.H.T., nữ sinh lớp 8 tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị nghi lấy cắp tiền quỹ của lớp, gây xôn xao dư luận.
Sự việc đáng tiếc của Đ. hay nữ sinh T. , một lần nữa gợi lại câu chuyện sức khỏe tinh thần của lứa tuổi học sinh và vai trò của công tác tham vấn học đường.
Lứa tuổi mới lớn với diễn biến tâm lý phức tạp, dễ là nạn nhân của những vụ việc đau lòng nếu không được quan tâm và phát hiện kịp thời.
Ở tuổi 15-16, các em vẫn chưa đủ nhận thức để suy xét hành động của bản thân, dễ bị kích động, lôi kéo. Một kết quả điều tra thực tế cho thấy gần 16% các em ở lứa tuổi này phạm tội.
Ngoài ra, học sinh còn gặp những vấn đề tâm lý liên quan chuyện tình cảm, giới tính, mối quan hệ với thầy cô, gia đình, chuyện học tập, bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản, hướng nghiệp...
Trong khi đó, công tác tham vấn học đường chưa được chú trọng đúng mức. Các chương trình tư vấn tâm, sinh lý cho học sinh còn thiếu và tỏ ra kém hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM), khảo sát cho thấy các trường phổ thông tại Sài Gòn đã tuyển dụng giáo viên làm công tác tham vấn học đường. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện tuyển dụng những người chuyên trách. Nhiều thầy cô là giáo viên kiêm nhiệm.
100% các cơ sở giáo dục công lập tại TP.HCM có phòng tham vấn học đường, nhưng chỉ có gần 120 giáo viên đúng chuyên ngành làm công tác này, chủ yếu ở bậc THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên.