Từ 1/6, Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành, quy định cha mẹ hoặc người giám hộ tiết lộ các thông tin cá nhân của con trẻ lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên là phạm luật. Luật cũng nêu rõ quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều 54 của Luật quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ngay lập tức, những quy định được nêu trên nhanh chóng gây sự chú ý của dư luận. Khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội, các bậc phụ huynh là người nóng bàn luận nhất, bởi họ chính là những người thường xuyên đăng tải hình ảnh, đưa thông tin cá nhân của con trẻ lên mạng xã hội. Không ít ý kiến trái chiều đã được đưa ra, nhiều bậc phụ huynh lại chính là người phản ứng khá mạnh mẽ với những quy định này.
Thực tế, sau khi thông tin về Luật trẻ em có hiệu lực thì các bậc cha mẹ vẫn đăng ảnh khoe con, thành tích, bảng điểm, kết quả khám bệnh… lên Zalo, Facebook, Instagram một cách khá thoải mái và vô tư như thường. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ chia sẻ những kinh nghiệm vui “lách luật” để vẫn được đăng ảnh. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, các điều luật cấm và vô lí và khó thực thi.
Chị Mai Chi (34 tuổi, nhà ở khu Trung Hòa – Nhân Chính- Hà Nội): “Mình cho rằng, những quy định trong Luật sẽ khó thực hiện được. Ai đến từng nhà để phạt cha mẹ đăng hình con hay bảng điểm hay thông tin cá nhân của con mà chưa xin phép? Những bức hình như thế nào là phạm luật? Từ hôm điều luật có hiệu lực đến giờ, trên Facebook, các cha mẹ vẫn đăng hình ảnh như thường đó thôi. Mình nghĩ, các cha mẹ chỉ bàn luận rồi để đó, họ vẫn cho rằng mình có quyền sở hữu và đăng tải hình ảnh của con lên Facebook”.
Không giấu được sự hoài nghi, anh Tiến Minh (28 tuổi, nhà ở Ô Chợ Dừa – Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Việc bảo mật thông tin cá nhân của con cái là đúng, nhưng e rằng việc nghiêm cấm không khả thi. Cha mẹ có rất nhiều điều tự hào về con như học giỏi, đạt thành tích cao, hay đơn giản là muốn lưu giữ hình ảnh kỷ niệm của con, thì làm sao cấm được. Cấm như vậy là vô lý”.
|
Các bức ảnh được cha mẹ đưa lên mạng xã hội kèm theo nhiều thông tin cá nhân của trẻ là bị cấm. |
Ở góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Minh Anh (công ty Luật FAV, Hà Nội) cho rằng việc cấm đăng tải hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội sẽ khó thực hiện vì chưa có chế tài xử phạt: “Quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em là quyền lợi chính đáng của mọi công dân vì thế, quy định này là hoàn toàn phù hợp. Nhiều quốc gia trên thế giới các hành vi tiết lộ thông tin đều bị xử phạt và kiểm tra rất nghiêm ngặt. Tại Pháp, cha mẹ có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù nếu bị kết tội công bố những thông tin chi tiết nhạy cảm về đời tư của người khác, trong đó có chính con họ, khi chưa có sự đồng ý. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, do chưa có chế tài cụ thể nên tạm thời điều luật chưa thể khả thi. Và nếu có chế tài thì cơ quan nào sẽ thực hiện?”.
Cũng theo luật sư Minh Anh: “Theo luật, khi trẻ em đi tố cáo người xâm phạm đời sống, thông tin cá nhân vẫn cần người giám hộ, vậy nếu tố cáo bố mẹ, thì ai sẽ làm người giám hộ cho trẻ để đi tố cáo. Do đó, để Luật đi vào đời sống và phát huy tính pháp lý thực sự cần có thời gian. Trong đó phải là sự thay đổi ý thức của cha mẹ, họ phải là người rõ nhất việc bảo vệ thông tin bí mật của con cái trước các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tiến Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng những thông tin mà Luật trẻ em nêu ra là cần thiết, không thể lơ là trong thời buổi bùng nổ Internet: “Luật đề ra là bảo vệ trẻ em, hạn chế được nguy cơ vì thông tin đăng tải mà trẻ có thể bị hại bởi những kẻ bắt cóc, buôn người… vẫn theo dõi trên Internet. Cha mẹ không nên lơ là, cho rằng chỉ những hình ảnh đơn giản trên mạng, thì không ảnh hưởng gì đến con trẻ. Không nói sâu xa đến việc có an toàn hay không, mà chính trẻ có thể sẽ xấu hổ vì những thông tin cha mẹ chúng chia sẻ trên mạng. Ngoài ra, quan trọng nhất chính là cha mẹ thay vì tìm cách lách luật, “khoe con quá đà” thì nên nhìn nhận lại việc đưa thông tin của con lên mạng xã hội có nguy hiểm cho con không, kể cả khi con đã trên 7 tuổi và con đồng ý với việc đăng tải đó”.