Ngày 28/2, Công an quận Tân Phú, TPHCM, đã thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tâm Duy (SN 1983) để điều tra về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Cụ thể, khi ngân hàng chuyển nhầm 1,5 triệu đồng thành 1,5 tỷ đồng, Duy rút ra 50 triệu đồng chiếm giữ trái phép, không trả lại. Đây cũng chỉ là một trường hợp vì nổi lòng tham mà chiếm đoạt tiền chuyển nhầm và sẽ phải chịu sư trừng phạt từ pháp luật. Nhưng cũng có trường hợp kẻ xấu cố tình chuyển nhầm để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
|
Đối tượng Nguyễn Tâm Duy. |
Hiện nay, kịch bản lừa đảo "chuyển tiền nhầm" tài khoản ngân hàng rất đa dạng và ngày càng tinh vi. Theo tìm hiểu của PV, gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu trò chuyển tiền nhầm nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Với kịch bản cho vay nặng lãi, đối tượng xấu cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người dùng với lời nhắn tương tự cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay... Khi chủ tài khoản nhận được tiền, đối tượng xấu sẽ giả danh người thu hồi nợ, dọa nạt và yêu cầu trả lại số tiền đã nhận cùng với khoản lãi cao "cắt cổ".
Ở một kịch bản khác, đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản thông qua đường link giả. Bằng cách chuyển tiền cho chủ tài khoản, sau đó liên hệ xin nhận lại nhưng thông báo rằng mình đang ở nước ngoài. Để trả lại số tiền này, người nhận chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong thông tin, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người nhận sẽ bị chiếm đoạt.
Nói về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với những tình huống tài khoản cá nhân nhận được tiền nhưng do người khác chuyển nhầm thì chủ tài khoản cần phải báo ngay cho ngân hàng nơi mở tài khoản để xác định người chuyển nhầm để chuyển trả lại số tiền đó cho chủ sở hữu thực sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, trong thời gian qua không ít các đối tượng cho vay nặng lãi hoặc lừa đảo cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản gửi của người khác sau đó yêu cầu người nhận tiền phải trả tiền lãi hoặc yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác rồi tiếp tục ăn vạ, đòi số tiền đó, không ít người đã gặp rắc rối. Bởi vậy, nếu trường hợp tài khoản của chúng ta nhận được tiền do người khác chuyển tới mà không phải là các giao dịch dân sự kinh tế có ý chí, hợp pháp thì cần trình báo ngay sự việc với cơ quan điều tra hoặc với ngân hàng để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường nói: "Nếu quyết định vội vàng hoặc do lòng tham mà chiếm giữ trái phép thì phải trả giá bằng chế tài của pháp luật. Khi đã xác định được chủ sở hữu tài sản thực sự và người chủ sở hữu tài sản yêu cầu trả lại thì phải trả lại mới phù hợp với đạo đức và pháp luật, tránh những chế tài có thể bị áp dụng như trong tình huống nêu trên".
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
>>> Xem thêm video: Danh tính 2 nữ quái và “màn kịch” lừa đảo bằng tin nhắn chuyển khoản