Tại hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Không phải đến bây giờ, một cán bộ trẻ đã từng được rất “kỳ vọng” như ông Tất Thành Cang lại vi phạm rất nghiêm trọng và “mất tất cả” như vậy, mà trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều cán bộ trẻ cũng đã bị kỷ luật, cách chức.
Trong số họ, nhiều người khi mới đã được cất nhắc vào vị trí quan trọng, đã có những lời hứa, tuyên thệ tiếp tục cố gắng phấn đấu và cống hiến vì lợi ích của nhân dân, đất nước. Và dư luận cũng đã từng chờ đợi, hy vọng vào một sự đổi mới và đột phá từ những cán bộ như vậy.
|
Từng được rất “kỳ vọng”, nhưng mắc sai phạm rất nghiêm trọng, ông Tất Thành Cang vừa bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.... |
Nhưng thực tế, những cống hiến của họ chưa được bao nhiêu so với những gì họ hứa hẹn, mà thay vào đó là những sai phạm liên tục được phát giác.
Thời gian qua, tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ của Đảng và Nhà nước, nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, trong đó có cả những cán bộ trẻ đang là Ủy viên Trung ương Đảng đã bị kỷ luật, bị cách các chức vụ trong Đảng, chính quyền và gần như “mất tất cả”.
Chưa khi nào, cụm từ “quan lộ thần tốc” hay “bổ nhiệm siêu tốc”, “cả nhà làm quan”…lại được nói nhiều đến như thế. Đó là việc thăng tiến bất ngờ của nhiều người trẻ mà trước đó là những cán bộ có năng lực chuyên môn bình thường, kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị chưa có... Thậm chí có người còn được “thăng tiến” ở một lĩnh vực trái với chuyên môn nghiệp vụ của mình.
Nhiều cán bộ, trong đó có những người trẻ ở nhiều cấp, nhiều ngành ngay từ khi mới được cất nhắc đã nói không đi đôi với làm, thích phô trương, thành tích, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc... Đặc biệt nguy hiểm, nhiều “quan trẻ” lợi dụng vị trí công tác để vun vén, tư lợi cá nhân hoặc “bảo kê”, “chống lưng” cho các nhóm lợi ích, “sân sau” đục khoét tài sản Nhà nước.
Đây cũng là bài học sâu sắc trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ. Dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, vì sao những cán bộ trẻ cả về tuổi, “trẻ” cả về năng lực và kinh nghiệm, phẩm chất lại có thể dễ dàng được thăng tiến nhanh đến như vậy? Quy trình chúng ta đều đã có và rất chặt chẽ, vậy “lỗ hổng” ở đâu? Ngoài trách nhiệm của người vi phạm đã rõ, thì cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc giới thiệu, bổ nhiệm những cán bộ này có trách nhiệm đến đâu?...
Không thể phủ nhận, có rất nhiều người là “con cháu” nhưng phát huy truyền thống của gia đình, đang cống hiến rất tốt trên lĩnh vực công tác của mình, được mọi người ghi nhận và nể phục. Nhưng sau những vụ kỷ luật cán bộ trẻ và những vụ “thăng tiến thần tốc” trong thời gian qua, dư luận có nhiều hoài ghi, bức xúc về một sự nâng đỡ, ưu tiên nào đó với một số trường hợp “con cháu”, “người nhà”, “người thân”…làm mất cơ hội của những người trẻ có “tâm” và “tài” khác.
Tuy vậy, cũng không phải vì những người vi phạm như ông Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang mà chúng ta mất niềm tin vào nguồn cán bộ trẻ và e ngại trong việc cất nhắc, bổ nhiệm họ. Những người trẻ là người chủ tương lai, là rường cột của nước nhà. Họ là những người thổi luồng khí thế mới, sáng tạo trong trong các lĩnh vực của đời sống-xã hội, phát triển đất nước.
Vậy làm thế nào để những cán bộ, nhất là đối với những người trẻ không bị thoái hóa, biến chất, vướng vào sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng dẫn đến bị xử lý kỷ luật, bị hầu Tòa như thời gian qua, trước hết cần nghiêm khắc nhìn nhận lại công tác cán bộ, trong đó có việc bổ nhiệm cán bộ trẻ. Cho người trẻ cơ hội nhưng cùng với đó phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ về công tác bổ nhiệm cán bộ, để lựa chọn được những người có đủ đức, đủ tài. Và quan trọng, họ phải có bản lĩnh vững vàng, biết dừng lại trước cám dỗ của quyền lực và vật chất.
Ông cha ta có câu “nhân vô thập toàn”. Trao cho người trẻ cơ hội nhưng đồng thời cũng phải có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ để ngay từ đầu, khi họ có những biểu hiện hoặc vi phạm nhỏ, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn, không để đến khi họ xảy ra những vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mới được phát hiện, xử lý như trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang và nhiều cán bộ trẻ như vừa qua.
Mọi nỗ lực sẽ là vô nghĩa, nếu như không có sự tự trau dồi về cả chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của chính bản thân những cán bộ đó. Họ phải tự vượt lên chính mình, không bị quyền lực và vật chất cám dỗ.
Mỗi cán bộ phải luôn ý thức được trách nhiệm là “người đầy tớ của dân”, đang gánh trên vai trọng trách vô cùng quan trọng là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Và quan trọng còn chính là danh dự của bản thân họ, của gia đình và người thân.
Những bài học đau xót trong thực tế đã và đang hiển hiện. Mỗi cán bộ, trong đó có những người trẻ, dù ở vị trí nào, nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa mình dẫn đến “tự suy thoái, tự diễn biến” thì đều có thể đi vào “vết xe đổ” của người khác. Và kết cục cuối cùng là sự trừng phạt nghiêm khắc của Đảng, chính quyền và pháp luật.
Đây cũng chính là lời cảnh báo mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII: “Vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”./.