Tại TP HCM, các chuyên gia, nhà quản lý đều kỳ vọng đây là “trợ lực” giúp thúc đẩy thị trường bất động sản sớm ổn định và phát triển.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: Luật Đất đai năm 2024 có điểm mới về quy định trong phân cấp, phân quyền về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng.
Cụ thể, HĐND cấp tỉnh có quyền quyết định, không cần phải trình Thủ tướng Chính phủ như trước đây, việc này đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có dự án bất động sản.
Về quy hoạch sử dụng đất, Luật đất đai năm 2024 thủ tục đơn giản hơn, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thay vì trước đây phải do Quốc hội. Phân cấp, phân quyền trong định giá đất, giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện thay vì trước đây do UBND cấp tỉnh.
Theo ông Nhẫn, luật mới đã bỏ khung giá đất, HĐND tỉnh quyết định bảng giá đất. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá đất, dẫn đến việc các địa phương có đô thị lớn đã có giá đất “kịch trần” nhưng vẫn không thể tiệm cận với thị trường: "Bảng giá đất bắt đầu thực hiện từ 1/1/2026, để có thời gian 1 năm xây dựng bảng giá đất mới theo nguyên tắc phù hợp với thị trường".
Gỡ vướng pháp lý tăng nguồn cung
Về phía chuyên gia, Tiến sỹ Phạm Anh Khôi – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản liên tục tăng trưởng. Đến hết tháng 6, vốn FDI đổ vào thị trường này tăng 61,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành bất động sản đứng thứ 2 trong các ngành hút vốn FDI.
Theo ông Khôi, tín dụng bất động sản chiếm gần 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh việc triển khai nhà ở xã hội, thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội và chỉ đạo nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu hỗ trợ lãi suất cho đầu tư, xây dựng loại hình này.
Ông Khôi đề xuất: "Nên tập trung phát triển những chủ đầu tư có chất lượng tốt, tập trung đa dạng hóa tài chính cho các chủ đầu tư. Không nên quá dựa vào nguồn vốn từ khách hàng hoặc quá dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng".
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kỳ vọng 3 luật mới vừa được thông qua sẽ tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý. Từ đó, nguồn cung cho thị trường bất động sản sẽ dồi dào, phát triển bền vững.
Theo ông Châu, bên cạnh nhà ở xã hội, thị trường cũng cần nhà ở trung cấp, cao cấp. Vấn đề là cần có giải pháp kéo được giá nhà hợp lý, không phải thả nổi để giá luôn tăng như hiện nay. Phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất, khi đó thị trường mới phát triển theo hướng xanh, sinh thái, hướng tới con người.
Ông Châu cho rằng thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn giảm dần và thị trường sẽ phục hồi cùng với sự cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, trên cơ sở hệ thống pháp luật đang thay đổi tích cực: "Chúng tôi nhận thấy nỗ lực của các doanh nghiệp, không còn tìm cách có lợi nhuận đơn thuần về phía mình mà luôn luôn đồng hành với nhà đầu tư, với khách hàng".
Việc sửa đổi và thông qua cùng lúc 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản tác động trực tiếp, trực diện đến các dự án nhà ở, đất đai. Đây được xem là “trợ lực” cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án được triển khai, thúc đẩy dòng vốn và thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.