Trong phiên xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu ngày 25/12, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky đều bất ngờ xin rút nội dung kháng cáo về việc đòi lại 800.000 USD từ cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng để "chạy án".
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trình bày các tình tiết xin giảm nhẹ.
Bị cáo cho biết, hiện tại, bị cáo và chồng bị cáo đều đang điều trị bệnh hiểm nghèo, tiên lượng xấu đi và gia đình bị cáo có công với cách mạng với mong muốn được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Bị cáo Hằng đã nộp hồ sơ bệnh án cho Hội đồng xét xử.
|
Các bị cáo tại tòa |
Trong phần trình bày, bị cáo Hằng xin thay đổi một phần nội dung kháng cáo. Cụ thể, bị cáo Hằng xin rút kháng cáo nội dung, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền 800.000 USD (tương đương 18,8 tỷ đồng) mà bị cáo Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt.
"Bản thân bị cáo đang nằm viện, bị cáo xin được xét xử vắng mặt", bị cáo Hằng trình bày. HĐXX đã chấp thuận cho bị cáo vắng mặt trong buổi chiều cùng ngày, các phiên xử sau nếu cần thiết sẽ triệu tập.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky cũng giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và thay đổi một phần nội dung kháng cáo. Cụ thể, bị cáo Sơn xin rút nội dung kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc bị cáo Hưng trả lại số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 18,8 tỷ đồng.
Bị cáo Sơn mong Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận bị cáo có công trong việc đưa công dân về nước khi dịch bệnh diễn ra. Ngoài ra, bị cáo có thành tích trong lao động sản xuất, có đóng góp cho xã hội, gia đình có công với cách mạng…
Trước đó, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng phải truy nộp số tiền hơn 18,8 tỷ đồng "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để sung công quỹ nhà nước. Sau phiên tòa, bị cáo Hằng và Sơn kháng cáo đề nghị tòa tuyên trả lại cho mình số tiền 18,8 tỷ bị cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng lừa chạy án.
“Không nhớ dùng 25 tỷ đồng tiền hối lộ vào việc gì"
Trình bày trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) xin giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và bổ sung phần trách nhiệm dân sự liên quan đến căn hộ của mẹ bị cáo bị kê biên. Bị cáo này trình bày, căn hộ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đứng tên bà, tuy nhiên đây là tài sản của bố mẹ mua từ năm 2010. "Mẹ bị cáo đã 90 tuổi đã có đơn xin giải tỏa kê biên căn hộ này để có nơi ở những năm tháng cuối cuộc đời", bị cáo nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đề nghị hội đồng xét xử kê biên các tài sản còn lại của mình để khắc phục hậu quả. Nếu số tài sản này không đủ thì bị cáo xin được lao động để khắc phục.
Trình bày về việc nhận hối lộ 25 tỷ đồng, bị cáo Lan thừa nhận, khi các doanh nghiệp đến gặp và đưa tiền là sai phạm và điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và Nhà nước, nhân dân.
Bị cáo Lan thừa nhận đã nhận số tiền hơn 25 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà Lan không thể nhớ rõ mình sử dụng số tiền trên vào mục đích gì.
Trả lời HĐXX về việc bị cáo nhận của các doanh nghiệp 25 tỷ là số tiền rất lớn nhưng đến nay mới khắc phục được hơn 1,2 tỷ đồng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự trình bày trong tài khoản ngân hàng bị phong tỏa có số trái phiếu, cổ phiếu được mua từ giai đoạn 2021-2022. Đồng thời, bị cáo khai hiện gia đình không còn tiền để nộp khắc phục hậu quả vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép các chuyến bay giải cứu, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của đại diện 8 doanh nghiệp. Nữ bị cáo mới chỉ nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Tại bản án sơ thẩm, cựu Cục trưởng Lãnh sự bị tuyên tù chung thân về tội nhận hối lộ.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã xác định và mong Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Tô Anh Dũng khẳng định, trong suốt quá trình tham gia “chuyến bay giải cứu”, bị cáo tuy tiếp xúc và gặp gỡ doanh nghiệp, nhưng không có mưu đồ gì. “Bị cáo tiếp xúc với doanh nghiệp đều là sự chủ động của họ. Bị cáo gặp để gỡ rối cho doanh nghiệp chứ không dám vòi vĩnh, đòi tiền”, bị cáo Tô Anh Dũng trình bày và nói rằng: “Đây là sai lầm hết sức đau đớn của bị cáo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao”.
Bị cáo Tô Anh Dũng trình bày một số tình tiết để mong tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: quá trình công tác được tặng thưởng Huân chương lao động, gia đình có công với cách mạng…Đồng thời cho biết, hiện sức khỏe của bị cáo giảm sút, thường xuyên bị đau nhức, bị bệnh hiểm nghèo, phải chăm sóc mẹ già… Trước khi dừng lời, bị cáo Tô Anh Dũng tự nhận thức được, hành vi của bị cáo đã gây ra là điều hết sức đau đớn với bị cáo, đồng thời xin tòa cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ