Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với bác sĩ Đinh Viết Hưng và tước chứng chỉ hành nghề 6 tháng vì hoạt động “chui” khi đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề do sai phạm trước đó.
Bác sĩ Đinh Viết Hưng là người tiến hành ca hút mỡ bụng cho sản phụ Đ.T.N.A (trú ở Hà Nội) vào tháng 9/2019, và cũng chính là người thực hiện đặt túi ngực cho nữ khách hàng V.N.A.T (33 tuổi) khiến cô tử vong ngày 17/10/2019.
Cả hai vụ việc đều xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (Quận 10 TP.HCM). Tháng 11/2019, bác sĩ Hưng bị Sở Y tế TP.HCM đình chỉ hành nghề, thu giữ chứng chỉ hành nghề và chuyển hồ sơ sang công an điều tra.
Đáng chú ý, Sở Y tế TP.HCM chỉ cấp phép cho bác sĩ Đinh Viết Hưng khám, chữa bệnh chấn thương chỉnh hình, nhưng bác sĩ này lại sử dụng giấy phép cấp bổ sung phạm vi hoạt động chụyên môn người hành nghề do Sở Y tế Đồng Nai cấp.
Qua xác minh, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai khẳng định sở này không cấp bất kỳ quyết định bổ sung nào cho ông Đinh Viết Hưng, văn bản là giả mạo. Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM đình chỉ hành nghề người này và chuyển hồ sơ qua công an điều tra.
Trong quá trình đình chỉ, mới đây, Sở Y tế TP.HCM phát hiện ông Đinh Viết Hưng tiếp tục hành nghề ở Bệnh viện thẩm mỹ có trụ sở tại địa chỉ 852 - 852A, An Dương Vương, Phường 13, Quận 6, TP.HCM.
|
Ảnh minh họa |
Hành vi của bác sĩ Đinh Viết Hưng có coi thường pháp luật?
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bác sĩ mà sử dụng bằng giả là rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Đây là hành vi coi thường pháp luật và tính mạng, sức khỏe của người khác. Hành vi này là quá nguy hiểm cho tính mạng con người, dẫn đến sẽ có nhiều người chết oan vì những người không có chuyên môn.
Theo thông tin báo chí nêu trước đây, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, có thể xác định hành vi của bác sỹ Đinh Viết Hưng đã vi phạm khoản 3 Điều 6 Luật Khám chữa bệnh 2009, cụ thể là vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề… Phạm vi chuyên môn được cấp phép là chấn thương chỉnh hình nhưng bác sĩ Hưng lại sử dụng giấy tờ giả để hành nghề, thực hiện các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.
Hành vi này trái với quy định pháp luật, xâm phạm chế độ quản lý nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Ngoài việc cơ quan chức năng tạm giữ chứng chỉ hành nghề, cấm hành nghề trong thời gian này thì theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Hưng sẽ chịu hình phạt chính là phạt tiền, số tiền cụ thể từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Nếu nguyên nhân dẫn đến tử vong là do vị bác sỹ giả này gây ra thì đã có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Khi đó, bác sĩ Hưng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuôc, bán thuốc, hoặc dịch vụ y tế khác", mức hình phạt có thể phải chịu là từ 01 đến 05 năm tù.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng con người. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm.
|
Luật sư Diệp Năng Bình |
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của Đinh Viết Hưng còn đủ yếu tố cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, mức phạt đối với người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Trường hợp sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên kiểm tra kỹ hồ sơ, bằng cấp của các bác sĩ trước khi cấp giấy chứng chỉ hành nghề hoặc cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời tổ chức các đợt rà soát, kiểm tra lại hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ, nhân viên y tế trong hệ thống mình quản lý để phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm, loại bỏ những người có hành vi gian dối, coi thường pháp luật ra khỏi ngành.
>>> Xem thêm video: Vụ điều dưỡng gây tê thay bác sĩ: Bệnh viện lách luật sử dụng người không đủ chuyên môn