Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã đặt câu hỏi về quan điểm cũng như trách nhiệm thẩm định của Bộ trưởng về về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mới trình vừa qua. Bởi Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định dự án luật này khi Bộ GD-ĐT đưa ra thảo luận tại Chính phủ.
Bà Minh đề nghị:
“Bộ trưởng làm rõ hơn trách nhiệm thẩm định của mình với Luật Giáo dục về hai vấn đề quan trọng đối với việc cụ thể hóa vấn đề Nghị quyết 29 của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hai nội dung là Nghị quyết quy định lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của hệ thống hành chính sự nghiệp và việc phổ cập bắt buộc 9 năm học kể từ năm 2020. Qua thẩm định của Bộ Tư pháp thì 2 nội dung này được đưa ra khỏi dự thảo luật, chúng tôi mong Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói rõ hơn quan điểm của mình về hai nội dung này?”.
|
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay:
“Quan điểm của chúng tôi là nhất trí nội dung miễn học phí đối với học sinh THCS vì phù hợp với Hiến pháp và Nghị quyết của TƯ. Tuy nhiên, đề nghị của Bộ Tư pháp là cần có đánh giá kỹ hơn về điều kiện bảo đảm, tức là chúng ta có đủ tiền để làm việc này hay không, còn tinh thần chung là nhất trí”.
Về lương giáo viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định “về mặt quan điểm chúng tôi thống nhất hệ thống giáo dục và giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất. Điều này là hoàn toàn phù hợp với những lý do đầy đủ tính thuyết phục”.
Bởi theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp “nhà giáo là nghề cao quý, dạy học con em chúng ta…Tuy nhiên hiện có ý băn khoăn vấn đề về quan điểm xây dựng luật".
Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ thêm, hiện Chính phủ đang chuẩn bị đề án về chế độ tiền lương, cải cách chế độ về tiền lương. "Hiện các quy định liên quan đến lương và phụ cấp được đề cập khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, từ luật rồi nghị định của Chính phủ, thậm chí các thông tư và quyết định của Thủ tướng rất nhiều, nên cần thiết quy định nhất quán các vấn đề chế độ chính sách mà không quy định trong pháp luật chuyên ngành.
Chính vì quan điểm như vậy, việc quy định lương giáo viên trong Luật Giáo dục đã phần nào ảnh hưởng đến quan điểm trên. Nhưng trong trường hợp phải đợi văn bản quy định chung về chính sách, trong đó có lương nhà giáo thì sẽ chậm. Hiện, áy náy của Bộ Tư pháp và ngay bản thân tôi nằm ở điểm này”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Ông Long cũng cho biết thêm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định nội dung này. “Bây giờ, chúng ta xử lý ngay lập tức và theo hướng có những ngoại lệ nhất định với giáo viên và chúng tôi cũng đồng tình việc này”.
Tuy nhiên, đại biểu Ngô Thị Minh tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về trách nhiệm của Bộ trưởng khi luật về giáo viên phải rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh với lý do bộ này đưa ra là đã có Luật Viên chức. Việc này dẫn đến tình trạng là luật chưa điều chỉnh đúng thực tế khi giáo viên là nghề có đặc thù riêng.
“Đề nghị Bộ trưởng nói rõ vai trò, trách nhiệm của mình về việc tham mưu để đưa luật nhà giáo và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới ra sao”, bà Minh nói.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải thích:
“Nếu tôi nhớ không nhầm thì câu chuyện này đã đặt ra từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Khi có đề xuất, ban đầu là của một số đại biểu Quốc hội, về việc xây dựng Luật Nhà giáo. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh. Giờ nếu mỗi đội ngũ người làm nghề trong xã hội lại cần một luật riêng thì khó. Đương nhiên trong trường hợp cần thiết và xac định rõ phạm vi điều chỉnh, chúng ta có thể dự kiến để ban hành một luật về đội ngũ đó. Giáo viên là đội ngũ rất đông đảo với nhiều vấn đề cần xử lý, có vấn đề cần xử lý bằng chính sách và có vấn đề cần xử lý bằng luật. Về nguyên tắc, chúng tôi nhất trí việc cần thiết phải ban hành luật giáo viên như vậy nhưng phải làm rõ phạm vi điều chỉnh, phải bàn kỹ việc này để tránh chồng chéo, trùng lặp”.
Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng, cũng từng có ý kiến đề xuất làm luật nhà văn, tương tự như ý kiến làm luật về giáo viên này. “Vậy nếu không nhất quán được quan điểm, hệ thống pháp luật sẽ có đến 2 trục điều chỉnh, một trục cắt dọc, một trục cắt ngang”.
Với những vấn đề đó, theo ông Long, từ sau cuộc tranh luận ở khoá trước tới nay, ông chưa thấy vấn đề làm Luật Nhà giáo được đề cập trở lại. “Nếu có thì chúng tôi sẽ cùng Bộ GD-ĐT và xin góp ý của các đại biểu quốc hội để có được một luật không chồng chéo các luật khác”.