Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội
Ngày 3-11, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề xung quanh chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa (SGK), những lùm xùm về nội dung bộ sách Cánh Diều cũng như mức giá sách.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện chủ trương "một chương trình nhiều SGK" và xã hội hóa SGK, Bộ GD-ĐT đã thẩm định, phê duyệt 46 SGK thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản. Trong đó, các bộ sách này và 46 sách đều được các nhà trường đưa vào sử dụng.
Riêng sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều, thời gian qua được cử tri, nhân dân góp ý kiến.
“Thực tế, chúng tôi đã kiểm tra và thấy trong nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin và cho biết đã yêu cầu hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và hiện đang chỉnh sửa cho phù hợp với ngữ điệu, tâm lý lứa tuổi lớp 1.
“Kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế thì SGK được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên chứ không phải ban hành xong là xong”, Bộ trưởng GD-ĐT nói và cho biết đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất sản các bộ sách còn lại đều phải rà soát.
Cũng theo người đầu ngành giáo dục, Thông tư 21 nêu rõ: “Không ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thúc nào”, tuy nhiên thời gian qua có một số nhà trường vi phạm điều này.
“Bộ đã chỉ đạo địa phương và thanh tra chấn chỉnh. Đồng thời tới đây sẽ sửa Thông tư 21 theo hướng tăng chế tài để quản lý chặt sách tham khảo, để SGK thực sự là SGK được dạy trong nhà trường, đảm bảo tính ổn định”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thêm.
Trước thắc mắc về việc giá SGK lớp 1 mới tăng gấp đôi sách cũ, Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra 2 lý giải. Thứ nhất, SGK lớp 1 mới được biên soạn theo chương trình phổ thông mới, theo cách tiếp cận phẩm cấp và năng lực, số trang nhiều hơn, chất lượng giấy và mực in tốt hơn, vì vậy giá thành cao hơn.
Thứ hai, SGK thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, khác với sách cũ nên không được trợ cấp về biên soạn. Chi phí này cũng được tính vào chi phí SGK.
Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các nhà xuất bản giảm chi phí, giá thành và cũng đã giảm 2-3 lần. Phương án duyệt giá khi trình đã được Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận. Bộ GD-ĐT cũng phối hợp Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình UBTV Quốc hội đưa mặt hàng SGK vào mặt hàng nhà nước định giá để bình ổn giá.
“Quốc hội chỉ đạo cái này phải sửa luật giá. Chính phủ đã giao và Bộ Tài chính đang rà soát sửa luật để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm.