Ngày 11/12, Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và sẽ có sự tham dự, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 2021 là năm nhiều thách thức do đại dịch bùng phát nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Đặc biệt, năm 2021 đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán trong nước, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số năm 2019 và 2020, các chủ trương về phát triển doanh nghiệp công nghệ số đã được đưa ra. Make in Vietnam đã trở thành ngọn cờ kêu gọi các doanh nghiệp thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm.
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn chiều 11/12. (Ảnh: VFE)
|
Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba năm nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Hùng, những việc cụ thể được giao cho những đơn vị cụ thể, có mục tiêu, có thời gian, có cơ chế hỗ trợ. Đây là cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước. "Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của doanh nghiệp là vì phía sau mỗi doanh nghiệp là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính", người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ: Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động.
"Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý, Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số", Bộ trưởng làm rõ thêm.
Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số. Nhưng họ cần thị trường để nuôi sống họ. Họ cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án chuyển đổi, cả của Nhà nước và của các doanh nghiệp. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông công khai các dự án chuyển đổi số sẽ là một thúc đẩy chuyển đổi số.
Cuối cùng, để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh và đi đúng hướng thì một bộ chỉ số đo lường, đánh giá về chuyển đổi số là rất quan trọng. Bộ chỉ số đã được ban hành và tiến hành đánh giá, công bố lần đầu về chuyển đổi số chính quyền, bao gồm các bộ ngành và địa phương. Tiếp theo sẽ là bộ chỉ số đo lường về kinh tế số và xã hội số, bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số doanh nghiệp.