Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ với 562 em bị xâm hại.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, anh, em họ... chiếm đến 21,3%, bị xâm hại do thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
"Việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội", báo cáo do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký nêu rõ.
|
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP |
Trả lời chất vấn đại biểu trước Quốc hội sáng 5/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã công bố một con số đau lòng khi hàng năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành.
Cụ thể, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đã nêu tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại với trẻ em ngày càng tăng phức tạp gây bức xúc cho xã hội. Hành lang pháp lý đã có những quy định pháp luật bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn chưa đủ lực, đẩy lùi vấn nạn này, chế tài chưa đủ sức răn đe phòng ngừa có hiệu quả để bảo vệ trẻ em, phát triển toàn diện trong thời đại mới.
Đại biểu Nguyễn Tạo đặt câu hỏi: “Vậy với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ, giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn nạn trên?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 150 triệu trẻ em bị bạo hành. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương xâm hại trẻ em lớn nhất. Ở nước ta hàng năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành.
“Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng con số có thể tăng lên” - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta đã có đầy đủ các khung pháp lý về vấn đề này; chúng ta cũng đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền vận động; công bố đường dây nóng; xử lý nghiêm các vụ việc nổi cộm...
“Thời gian gần đây cho thấy xuất hiện một số tính chất phức tạp hơn. Cả xã hội lên án hành vi này. Tới đây sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật một lần nữa, cụ thể hơn trách nhiệm của các ngành, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng đề cao giữa gia đình và trường học trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Bộ trưởng nói.