Bỏ qua lỗi 70.000 xe, các giám đốc TT đăng kiểm bị xử thế nào?

Google News

Hành vi của nhóm đối tượng là giám đốc Trung tâm đăng kiểm cầm đầu và đồng bọn thực hiện không chỉ vi phạm pháp luật mà tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây tai nạn giao thông.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về hành vi của các giám đốc và đồng bọn tại 9 Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM và các tỉnh mới đây bị Công an TPHCM khởi tố, điều tra các tội danh “Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Giả mạo trong công tác”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm này là rất nghiêm trọng.

9 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ có vi phạm gồm: Trung tâm Đăng kiểm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-03D (tỉnh Tiền Giang) đều do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc; Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (thành phố Thủ Đức, TPHCM) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc; Trung tâm đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân), Trung tâm đăng kiểm 50-10D (huyện Củ Chi), Trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè).

Hành vi có thể gây tai nạn giao thông nghiêm trọng
Hiện cơ quan công an đã khởi tố các bị can liên quan đến 4 tội danh có liên quan đến chức vụ và tham nhũng. 
Bo qua loi 70.000 xe, cac giam doc TT dang kiem bi xu the nao?
Công an TPHCM khám xét 9 trung tâm đăng kiểm có sai phạm.
Trong hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, đăng kiểm xe cơ giới là khâu quan trọng để kịp thời phát hiện, loại bỏ, ngăn ngừa những phương tiện không đảm bảo an toàn tham gia giao thông. Nếu cơ quan đăng kiểm thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ, bị mua chuộc, tiêu cực, bỏ lọt các phương tiện không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, có thể xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Do đó, việc phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm về đăng kiểm xe cơ giới là rất cần thiết.
Thực tế, những phương tiện cũ nát, xe tải có trọng tải lớn có biểu hiện vi phạm rõ ràng như cơi nới thùng xe, không đảm bảo an toàn về đèn chiếu sáng, phanh, lốp mòn, tiêu chuẩn môi trường về khí thải...nhưng vẫn tham gia giao thông khi được dán thẻ đăng kiểm là vấn đề hoàn toàn có thể phát hiện bằng mắt thường và phát sinh những nghi ngờ. Bởi vậy, quá trình thanh, kiểm tra việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng vẫn có đăng kiểm nên đã lập chuyên án xác minh điều tra.
Bỏ qua lỗi vi phạm của 70.000 xe:
Để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động của Trung tâm, Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm đã chỉ đạo nhân viên Trung tâm trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện, đối tượng “cò mồi” đưa đến kiểm định nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
120 xe không đảm bảo tiêu chuẩn vẫn được đưa vào hoạt động dạy lái xe:
Quá trình làm rõ sai phạm của Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè), Cơ quan điều tra đã phát hiện Trung tâm đào đạo, sát hạch lái xe Thành Công có mối liên quan đến hành vi vi phạm của Trung tâm Đăng kiểm 50-17D trong việc đăng kiểm cho khoảng 120 phương tiện giao thông xe ô tô không đảm bảo tiêu chuẩn để Trung tâm đưa vào hoạt động dạy lái xe; có nguy cơ gây nguy hiểm cho hoạt động dạy học lái xe tại trường. Đây cũng là nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo học viên và chất lượng của học viên khi được cấp Giấy phép lái xe. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM và Công an huyện Nhà Bè đang tiếp tục tập trung làm rõ nội dung sai phạm liên quan đến Trung tâm Đăng kiểm và Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe này.
Bị xử lý thế nào?
Luật sư Cường cho rằng, việc những kỹ thuật viên tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bỏ lọt rất nhiều phương tiện chứng tỏ đã có những đường dây, có những đối tượng đã cấu kết với nhau, bỏ qua điều kiện đảm bảo an toàn, vẫn đăng kiểm để các phương tiện hoạt động. Quá trình xác minh nguyên nhân, động cơ sự việc cơ quan chức năng bước đầu đã có căn cứ cho thấy đã có hành vi thỏa thuận đưa tiền để bỏ qua điều kiện an toàn trong quá trình đăng kiểm. Vì vậy, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, tội nhận hối lộ có mức hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, tùy thuộc vào số tiền nhận hối lộ và hậu quả đã gây ra đối với xã hội. Nếu số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nhận tài sản nhận hối lộ có giá trị dưới 500.000.000 đồng nhưng hành vi được xác định là phạm tội từ hai lần trở lên hoặc có tổ chức, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Với những đối tượng không trực tiếp thực hiện hành vi đăng kiểm sai quy định nhưng có bàn bạc thống nhất với nhau về việc sẽ nhận tiền để đăng kiểm sai quy định, có ăn chia số tiền đó cũng đều được xác định là đồng phạm và đều bị xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự.
Còn đối với các đối tượng là chủ xe, người được giao phân công nhiệm vụ đăng kiểm xe mà lại chi tiền cho cán bộ đăng kiểm để thực hiện việc đăng kiểm sai quy định thì đây là hành vi đưa hối lộ. Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự theo điều 364 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù và cao nhất là 20 năm tù. Trong vụ án này nếu người nào đã đưa tiền để được đăng kiểm sai quy định chưa bị cơ quan chức năng phát hiện mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này, cả những người "trung gian" cũng bị xử lý về tội môi giới hối lộ với mức hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm tù tùy vào tính chất mức độ hành vi phạm tội theo quy định tại điều 365 Bộ luật Hình sự.
Bo qua loi 70.000 xe, cac giam doc TT dang kiem bi xu the nao?-Hinh-2
 
Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ (các tội phạm về tham nhũng và chức vụ) có thể xảy ra ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước (khối doanh nghiệp tư nhân). Bởi vậy, các doanh nghiệp không có phần vốn nhà nước nhưng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội đưa hối lộ, nhận tối lộ và môi giới hối lộ... cũng sẽ bị xử lý hình sự về nhóm tội danh này mà không phụ thuộc vào sự việc có xảy ra với cán bộ, công chức, viên chức hay không.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm một tội danh khác là tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 BLHS. Tội danh này xử lý đối với người có chức vụ quyền hạn, mặc dù không thực hiện hành vi nhận hối lộ, không có thoả thuận trực tiếp hoặc qua trung gian với chủ xe cơ giới để thực hiện hành vi đăng kiểm sai quy định nhưng vì yếu tố vụ lợi nên đã thực hiện hành vi trái quy định cấp đăng kiểm không đúng quy định sẽ bị xử lý về tội danh này. Đối với tội giả mạo trong công tác, mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước
Ngoài các hành vi đã khởi tố (“Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo công tác”), Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, Thanh tra, Kiểm tra… của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được phân công, phân cấp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt quả tang thiếu úy Công an nhận hối lộ của người ghi đề

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)