Trần Vũ Quỳnh Anh là một trong những cái tên “hot” nhất tuần qua. Con đường thăng tiến "thần tốc" của bà Trần Vũ Quỳnh Anh là điều khó ai đạt được. “Quan lộ thần tốc” ấy đã khiến dư luận xã hội sửng sốt.
|
Trần Vũ Quỳnh Anh được coi là hot girl xứ Thanh có quá trình thăng tiến thần tốc khó ai đạt được. |
Chỉ sau 5 năm, bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ cán bộ hợp đồng trung tâm Kiểm định chất lượng của sở Xây dựng Thanh Hóa (không qua thi tuyển) đã được bổ nhiệm làm Phó rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, sở Xây dựng Thanh Hóa.
Theo kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính trong việc bổ nhiệm sai bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào các chức danh Phó rồi Trưởng phòng kể trên – cụ thể là Giám đốc sở Xây dựng, kết luận nêu rõ.
Tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin được biết, giai đoạn 2010-2015, ông Ngô Văn Tuấn (hiện là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa) làm Giám đốc sở Xây dựng.
Vậy, cá nhân ông Ngô Văn Tuấn sẽ phải chịu xử lý như thế nào sau những “dấu ấn” bổ nhiệm sai phạm với bà Trần Vũ Quỳnh Anh? Liệu những sai phạm đó có ảnh hưởng đến chức danh hiện tại? Đằng sau chuyện bổ nhiệm thần tốc là nhiều vấn đề trong công tác cán bộ. PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
|
Ông Vũ Quốc Hùng đề nghị làm rõ việc thăng quan tiến chức của Giám đốc sở Xây dựng Thanh Hóa, tại sao không phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của ông Ngô Văn Tuấn khi bổ nhiệm Trần Vũ Quỳnh Anh. (Ảnh: Báo Lao động). |
PV: Thưa ông, một trong những sai phạm đáng chú ý liên quan đến bà Trần Vũ Quỳnh Anh là việc, sở Xây dựng Thanh Hóa trả lại hồ sơ công chức cho bà này khi nghỉ việc. Ông có bình luận gì?
Ông Vũ Quốc Hùng: Cần làm rõ việc trả hồ sơ cho bà Quỳnh Anh khi thôi việc là như thế nào. Chiếu theo các quy định của luật xem việc trả lại hồ sơ như thế vi phạm cụ thể điều khoản gì.
Một công dân bình thường cũng được quản lý bằng hồ sơ (thông qua hộ khẩu) hoặc các giấy tờ khác. Với một cán bộ, hồ sơ công chức là điều không thể thiếu. Cần làm rõ vì sao trả để tránh làm ẩu với các trường hợp khác.
Qua đây càng cho thấy, công tác lưu trữ hồ sơ là vô cùng quan trọng. Lâu nay, từ cấp Trung ương đến địa phương, các cơ quan, ban ngành đều có đơn vị, phòng lưu trữ. Nếu sở Xây dựng Thanh Hóa không có, là một thiếu sót nghiêm trọng.
PV: Dư luận xã hội đã có nhiều quan điểm về “quan lộ thần tốc” của bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Còn ý kiến cá nhân ông thế nào?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đó là việc bất thường. Cần tiếp tục kiểm điểm và làm rõ vì sao có sự bất thường ấy. Làm rõ nguyên nhân sự bất thường để quy kết trách nhiệm người tạo ra bất thường. Sự bất thường chính là vi phạm trong tiếp nhận, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Đây là bài học cho toàn xã hội, không phải riêng Thanh Hóa.
Không chỉ là việc nêu ra sai phạm, dư luận cần cơ quan chức năng trả lời câu hỏi vì sao sai phạm. Người bổ nhiệm bà Quỳnh Anh quá tin tưởng cấp dưới, dễ dãi, đã nhận “quà cáp” hay bị ai “gửi gắm”, nhờ cậy? Cần làm rõ tất cả những điều đó.
PV: Được biết, vị Giám đốc sở Xây dựng từng ký các quyết định bổ nhiệm sai với bà Trần Vũ Quỳnh Anh là ông Ngô Văn Tuấn – người được bầu bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong phiên họp bất thường kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI 2011-2016 (ngày 10/11/2015). Vì sao khi ông Tuấn bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, cũng như khi được xem xét đề bạt giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh, không có bất cứ sai phạm nào bị phát hiện? Vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan tổ chức cán bộ ở Thanh Hóa bị mờ nhạt? Đây những thắc mắc chính đáng của dư luận, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng vậy. Đây là bài học sâu sắc về công tác kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ. Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nắm được thông tin gì trước khi đề bạt ông Ngô Văn Tuấn lên làm Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa không?
Quá trình ông Tuấn bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh có ai giám sát không? Nếu giám sát thấy có dấu hiệu vi phạm cần đi vào kiểm tra dấu hiệu vi phạm đó.
Tôi nghĩ cần lật lại vấn đề: Ai giám sát? Có giám sát không? Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban tổ chức tỉnh ủy, Ban Thường vụ tỉnh ủy thời điểm ấy cần ngồi lại với nhau nghiêm túc để kiểm điểm; ai về hưu, mời quay lại để hỏi rõ có biết sai phạm gì không? Vì sao không những không phát hiện ra sai phạm mà còn để cán bộ thăng quan tiến chức?
Tôi nghĩ cần làm việc nghiêm túc, cầu thị để ra một bài học. Điều đó sẽ rất tốt cho công tác quản lý Nhà nước, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ. Công tác cán bộ rất quan trọng, cán bộ quyết định hết thảy mọi vấn đề.
PV: Như vậy có nghĩa là, công tác kiểm tra, giám sát với cán bộ ở Thanh Hóa lỏng lẻo?
Đây là giám sát không đảm bảo, thậm chí có thể không thực hiện giám sát. Nếu giám sát, chắc chắn không bỏ lọt những sai phạm như vậy.
Nếu làm rõ từ thời điểm bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Ngô Văn Tuấn đã không có những vi phạm tiếp theo, hậu quả không nghiêm trọng như bây giờ. Đây là bài học cụ thể, sát sườn về công tác giám sát bổ nhiệm cán bộ ở các địa phương, không riêng Thanh Hóa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!