Chính sách cần chặt chẽ, tránh bị lạm dụng
Tại chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam đã kiến nghị với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn về việc Bộ GD&ĐT cần tiếp tục công nhận và cấp bằng khen cho những sinh viên đoạt giải kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc.
|
GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nêu kiến nghị với đại diện Bộ GD&ĐT. |
Theo GS Ngô Việt Trung, Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh được tổ chức bởi Hội Toán học Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Mục đích của kỳ thi này nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giảng dạy và thúc đẩy phong trào học Toán trong các chuyên ngành khác nhau ở tất cả các trường đại học trên toàn quốc. Những năm gần đây, có trên 80 trường đại học với 700-800 lượt thí sinh tham dự kỳ thi.
Trước năm 2020, Bộ GD&ĐT tham gia bảo trợ kỳ thi bằng việc trao bằng khen cho những trường và cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc này cũng phù hợp với Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đạt giải ba cá nhân trở lên tại kỳ thi Olympic thuộc một trong các môn Toán học, Vật lý, Hoá học, Cơ học,Tin học hay các chuyên ngành khác trong thời gian học đại học được Bộ GD&ĐT công nhận. Tuy nhiên, hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tạm dừng, chưa thực hiện việc công nhận các kỳ thi Olympic này.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ khuyến khích kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh, nhưng chính sách cần chặt chẽ, tránh bị lạm dụng. |
Trả lời câu hỏi của GS Ngô Việt Trung, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ đã chỉ đạo họp về đề xuất của Hội Toán học Việt Nam. Cục Quản lý chất lượng cũng đã có một số buổi làm việc với Hội và chắc chắn sẽ giải quyết nhanh.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là ủng hộ, khuyến khích kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh. Tuy nhiên, về mặt chính sách thì cần phải chặt chẽ.
“Để tránh bị lạm dụng, gia tăng những kỳ thi khác chưa có uy tín như Olympic Toán học sinh viên và học sinh, làm mất đi ý nghĩa của các kỳ thi này. Còn nếu chỉ có kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh thi Bộ GD&ĐT công nhận ngay, không phải bàn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lý giải.
Mời quý độc giả xem video Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lý giải Bộ GD&ĐT tạm dừng công nhận Olympic Toán học sinh viên và học sinh. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Kiến nghị Bộ có giải pháp, tránh thiệt thòi cho sinh viên
Theo tìm hiểu của PV Tri thức và Cuộc sống, ngày 19/1/2012, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Hội Toán học, Vật lý , Hóa học, Cơ học và Tin học về việc khen thưởng trong các cuộc thi Olympic (Thứ trưởng Trần Quang Quý ký).
|
Công văn của Bộ GD&ĐT khẳng định, các kỳ thi Olympic do các Hội tổ chức là hoạt động tốt, không những có tác dụng phát hiện và khuyến khích các tài năng trẻ mà còn động viên, thúc đẩy phong trào thi đua học tập. nghiên cứu khoa học của sinh viên, |
Công văn nêu rõ, từ nhiều năm qua, các Hội đã chủ động tổ chức các cuộc thi Olympic các môn học cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Hoạt động này ngày càng được phát triển rộng khắp trong các trường đại học, cao đẳng được đông đảo sinh viên tham gia.
“Đây là một hoạt động tốt, không những có tác dụng phát hiện và khuyến khích các tài năng trẻ mà còn động viên, thúc đẩy phong trào thi đua học tập. nghiên cứu khoa học của sinh viên, góp phần năng cao chất lượng đào tạo ở các nhà trường”, công văn nhấn mạnh.
Để kịp thời động viên, khen thưởng sinh viên, giảng viên tham gia bồi dưỡng sinh viên dự thi và phong trào ở các nhà trường, tại công văn, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định việc tổ chức và khen thưởng. Trong đó, có việc trao bằng khen và giấy chứng nhận của Bộ GD&ĐT tùy theo mức giải của thí sinh.
Việc Bộ GD&ĐT chưa công nhận kỳ thi và tạm dừng thực hiện khen thưởng đối với các thí sinh đạt giải cao tại kỳ thi Olympic Toán học học sinh và sinh viên gây thiệt thòi cho sinh viên trong việc tuyển dụng sau này theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh việc bị lạm dụng bởi các kỳ thi kém chất lượng như Bộ GD&ĐT lo ngại, Bộ nên sớm ban hành quy định và bộ tiêu chuẩn cho các kỳ thi Olympic sinh viên toàn quốc. Nếu kỳ thi nào đáp ứng được, thì sẽ được Bộ công nhận.
|
Ban Tổ chức trao bằng khen cho 11 thí sinh có thành tích đặc biệt tại Kỳ thi Olynpic Toán học sinh viên và học sinh lần thứ 30. |
Thực tế, trong suốt 30 năm qua, Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh là một kỳ thi uy tín, chất lượng, phi lợi nhuận, được đông đảo các sinh viên và trường đại học quan tâm. Kinh phí để tổ chức cuộc thi, ngoài lệ phí do các trường dự thi nộp, còn phải xin hỗ trợ từ nhiều nguồn, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tại chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), Thứ trưởng Hoàng Mính Sơn đã nói cần phải thúc đẩy việc học Toán ở các trường đại học trong bối cảnh nhiều trường cắt giảm thời lượng giảng dạy môn Toán. Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý chất lượng, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà cũng nhấn mạnh cần phải có chính sách ưu tiên cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi.
Việc công nhận, trao bằng khen cho các thí sinh tại Olympic Toán học sinh viên và học sinh chính là một giải pháp tốt để thúc đẩy phong trào học Toán cũng như thể hiện chính sách ưu tiên của Bộ GD&ĐT đối với các sinh viên có thành tích xuất sắc.
Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc do Hội Toán học Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ GD&ĐT tổ chức từ năm 1993 đã trở thành một hoạt động thường niên được mong chờ hằng năm. Kỳ thi có ý nghĩa tích cực trong việc động viên tinh thần học tập môn Toán trong các trường đại học. Một số trường đại học cũng tổ chức kỳ thi Olympic toán học tại trường.
Năm 2024, Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên lần thứ 30 có 95 đoàn đến từ các học viện, trường đại học. Tổng số sinh viên tham dự kỳ thi là 699 em với 809 lượt đăng ký dự thi, tăng hơn 10% so với kỳ thi năm 2023. Theo Ban Tổ chức, đây là con số kỷ lục trong lịch sử hơn 30 năm của kỳ thi.