Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã kết thúc, nhưng nhiều ý kiến về câu chuyện, đề thi năm nay khó hơn năm 2017, vẫn tiếp diễn. Trong đó, nhiều chuyên gia, thầy giáo dạy Toán khẳng định, trong thời gian 90 phút không thể giải kịp đề.
Bộ GD&ĐT giải thích không thỏa đáng
Ngay chiều 27/6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT, TS. Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT) lý giải: "Về độ khó của đề thi, trước hết cần căn cứ nội dung.
Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia, đó là đều nằm trong chương trình lớp 12, 11, chủ yếu là lớp 12. Tỷ lệ % nội dung lớp 12 khoảng 75 - 80%, lớp 11 khoảng 15 - 20%, toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các môn học.
Thứ hai, cấu trúc đề thi 2018 giữ nguyên, không thay đổi so với 2017: 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao nhưng vẫn nằm trong chương trình. Hội đồng đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo là đề thi 2018 phải tăng cường phân hóa.
|
Bộ GD&ĐT giải thích đề Toán phù hợp là chưa thỏa đáng |
Vì thế, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Như vậy, không phải tất cả đề thi khó mà có một số câu để dành cho học sinh khá giỏi làm, mục đích là để phân loại thí sinh.
Nói độ khó của đề tăng lên so với 2017 là đúng, vì năm nay mở rộng thêm kiến thức lớp 11. Nhưng đều này học sinh đã được thông báo từ đầu năm học. Năm nay, bộ cũng đã công bố đề thi tham khảo để thí sinh tham khảo về cấu trúc. Tôi nhấn mạnh, toàn bộ nội dung đều nằm trong chương trình".
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, chuyên gia dạy Toán là TS. Lê Thống Nhất - người sáng lập Hệ thống giáo dục BigSchool, cũng là thầy giáo có kinh nghiệm lâu năm dạy Toán cho rằng: “Chuyện đề thi quá khó của kỳ thi THPT Quốc gia 2018 gây ra nhiều lo lắng từ học sinh đến phụ huynh và cả những chuyên gia, giáo viên.
Cách giải thích theo kiểu "đúng quy trình, đúng quy chế" của bộ GD&ĐT có vẻ như chưa thoả mãn bất cứ ai có hiểu biết.
TS. Nhất nhận định, toàn bộ lý luận trên chưa chứng minh được đề thi là phù hợp với kỳ thi, càng không trả lời được câu hỏi tại sao đề năm nay quá khó.
|
TS. Toán học Lê Thống Nhất. |
"Tỷ lệ nội dung cho từng lớp không quyết định độ khó hay dễ. Bởi vậy dù thêm kiến thức lớp 11 và năm sau có cả lớp 10 thì cũng thế. Trước đây thi tự luận là thi toàn bộ kiến thức đã học ở phổ thông. Với tỷ lệ nào thì muốn dễ hay khó bao nhiêu cũng được.
Cấu trúc đề thi với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao cũng không quyết định chuyện đề khó hay dễ. Điều quan trọng là những câu hỏi cơ bản có làm mất thời gian hay không, có làm chỉ trong chưa đến 2 phút hay không? Với các kiến thức nâng cao, có cần phải luyện thi mới làm được hay đã sẵn có trong sách giáo khoa?
Tăng cường phân hóa thì cần tăng độ khó. Nhưng điều ngược lại không đúng, bởi tăng độ khó không đúng mức cũng lại không phân hóa được, bởi vì làm khó với quá nhiều thí sinh thì những sự khó đó không có tác động đến phân loại học sinh.
Đây có thể ví von dễ hiểu là: Bộ GD&ĐT cho rằng tôi nấu món ăn này theo đúng công thức hướng dẫn trong sách dạy nấu ăn nên đây là món ăn ngon", thầy Lê Thống Nhất chia sẻ.
Nhiều câu tự luận bị khoác vỏ trắc nghiệm
Cũng theo TS. Nhất, ngay cả GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng - một giáo sư ngành Toán cũng cho rằng, có những câu ông phải giải từ 10 - 15 phút mới chọn ra phương án đúng và chỉ giải đến câu thứ 35 là đủ để khẳng định đề thi không phù hợp với kỳ thi này, chứ chưa chạm tới phần vận dụng cao. Đó chính là số câu không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm đã chiếm tỷ lệ quá nhiều. Hội đồng ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận trong vỏ trắc nghiệm mà thôi.
"Khi ra đề, Hội đồng có nghĩ: Để chọn phương án đúng phải mất bao nhiêu phút không? Có cần giải để chọn phương án không? Nếu giải thì nhanh nhất hết bao nhiêu thời gian/câu?
Để làm rõ điều này, tôi đề nghị bộ GD&ĐT công khai "cách chọn phương án đúng" cho các đề thi, còn công khai đáp án A, B, C, D chưa phản ánh rõ điều này. Nếu không có đáp án về cách chọn phương án thì không thể biết đề khó hay dễ.
Đó chính là thời gian thi chỉ là 90 phút chứ không vô hạn. Đề thi Toán sẽ trở thành dễ nay nếu chúng ta cho học sinh làm trong 360 phút. Một số thầy cô cho rằng, đề thi sẽ làm nóng các lò luyện. Tôi không cho là như thế! Bởi dù có luyện thế nào thì cũng không thể "vắt chân, lên cổ" để giải được đề thi như vậy", TS. Nhất nói.
|
Theo nhiều chuyên gia, giáo viên Toán, đề thi khó với thời gian 90 phút không đủ cho các em nháp đề để chọn đúng đáp án. |
"Xin chia sẻ thời tôi chỉ đạo làm đề thi Olympic Toán Tuổi thơ (thi tự luận): Sau khi hoàn chỉnh đề thi qua nhiều bước, tôi đề nghị 3 cán bộ chuyên môn ngồi giải đề thi này để đo thời gian hoàn thành bài thi, dù việc này phải thực hiện lúc 1h sáng. Qua đó mới biết được khối lượng đề thi có phù hợp với thời gian làm bài hay không? Kể ra Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia cũng thử như thế thì biết ngay phù hợp hay không phù hợp.
Những năm đầu làm cố vấn của chương trình 'Đường lên đỉnh Olympia', khi ra câu hỏi toán cho cuộc thi, điều khó nhất cho tôi là câu hỏi giải trong 30 giây", TS. Lê Thống Nhất nói thêm.
Cuối cùng, TS. Lê Thống Nhất đưa ra một số giải pháp như: Phải có Hội đồng ra đề đủ năng lực ra đề thi trắc nghiệm. Chứ không phải chỉ biết "trắc nghiệm hoá" đề tự luận. Cần xem lại kỳ thi "2 trong 1" khi năng lực ra đề không đảm bảo yêu cầu này. Ra đề thi trắc nghiệm đã chưa quen lại còn phải lo "2 trong 1".
Trong quy trình ra đề, khi xây dựng đề xong cần có thực nghiệm quá trình làm bài để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với thời gian thi hay không? Điều này khác hẳn với thực nghiệm ngân hàng đề mà bộ GD&ĐT đã làm.
Nhóm PV
Trao đổi với Báo Người Đưa Tin, đại diện Hệ thống giáo dục Học Mãi nhận định: Đề Toán thi THPT Quốc gia 2018 quá nặng về tính toán, chỉ học nguyên sách giáo khoa thì không thể đạt điểm cao.
Về dạng thức và độ khó của câu hỏi ở mức độ tương đương đề thi minh họa. Đề được sắp xếp từ dễ đến khó như thông lệ hàng năm, khoảng 25 câu đầu ở mức Nhận biết, Thông hiểu; từ câu 26 trở đi là các câu hỏi có tính vận dụng, đặc biệt có khoảng 10 câu hỏi cuối có độ khó hơn hẳn. Với đề thi như vậy, thí sinh rất khó để đạt điểm tuyệt đối.
Về độ khó: Đề thi xuất hiện nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh vừa phải có tư duy tốt đồng thời giỏi về khả năng tính toán. Ví dụ câu 44 mã đề 105 (câu 50 của mã đề 115) đề bài hỏi về tiếp tuyến, có sự kết nối kiến thức lớp 12 và lớp 11. Thí sinh rất dễ bị mất điểm bởi các phương án nhiễu.