Đang xác minh làm rõ việc lộ đề thi
Tại buổi họp báo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, trả lời câu hỏi của P.V liên quan đến việc lộ đề thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, đó là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo. |
Về nghi vấn đề thi môn Toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin ngay khi nắm được thông tin… Hiện các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Đề thi phân hóa nhằm tránh thí sinh dễ đạt điểm tối đa
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi về việc đề thi năm nay được đánh giá là có độ phân hóa cao hơn 2021, có phải để cho các trường tuyển sinh? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều năm nay, việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
|
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT |
Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 kéo dài trong năm học vừa qua, sẽ có nhiều đối tượng học sinh có điều kiện học ở các mức độ khác nhau.
Đề không thể ra ở mức độ kiến thức dễ hơn, có thể sẽ khiến cho đối tượng học sinh có điều kiện học tập tốt hơn đạt điểm tối đa, như vậy sẽ là không công bằng.
Việc ra đề thi với mức độ đề thi như vậy, cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Trả lời câu hỏi của PV về việc một tài khoản mạng xã hội có thể đoán đúng đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn trong 3 năm liền, vậy, có phải việc ra đề có theo lối mòn hay không, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, với số lượng tác phẩm có hạn, thì xác suất đoán đúng tác phẩm dễ hiểu.
Tuy nhiên, Nhưng câu hỏi cụ thể đặt ra với tác phẩm ấy mới là quan trọng. Việc này sẽ khác với các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau này. Bởi với quy định một chương trình, nhiều bộ sách, học sinh học cùng một nội dung kiến thức trong chương trình, nhưng học sách giáo khoa khác nhau với ngữ liệu và tác phẩm khác nhau.
Thí sinh mang điện thoại vào phòng thi là cố tình vi phạm quy chế
Tại buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, PV đặt câu hỏi về việc số thí sinh vi phạm quy chế năm nay cao hơn năm trước (50 trường hợp) lý do vì sao, ông Lê Mỹ Phong cho hay, Bộ đã có hướng dẫn ngay từ đầu về việc thực hiện quy chế tới cán bộ coi thi. Thậm chí, trước khi phát đề thi còn nhắc lại với thí sinh về quy chế. Cho nên, với những trường hợp mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi là do cố tình và sẽ bị xử lý theo quy chế.
|
ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT. |
Về phản ánh của phóng viên cho biết, ở một số địa phương, nhiều nơi khó khăn khi thực hiện để đồ của thí sinh cách phòng thi 25m. Thậm chí có điểm thi ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), do không có người trông coi nơi để đồ của thí sinh, thí sinh lo lắng đã mang điện thoại vào phòng thi, ông Phong cho biết, Bộ chưa nắm được thông tin này. Bởi báo cáo từ TP Hà Nội cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cho một kỳ thi nghiêm túc, an toàn.
Quy định về khoảng cách nơi để đồ cách 25m xuất phát từ rút kinh nghiệm từ những năm trước, và tham khảo ý kiến của Bộ Công an, nhằm đảm bảo cho việc thí sinh không thể gian lận bằng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, Bộ sẽ tham khảo, nghiên cứu để có phương án tối ưu.
Trước ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tốn kém mà lại có tới 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp, vậy đã đến lúc Bộ GD&ĐT trả kỳ thi này về cho địa phương, ông Phong cho hay, Bộ đã có phương án tổ chức kỳ thi cho những năm tới, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và Chương trình giáo dục phổ thông mới.