Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong đó chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương trong việc tham mưu ban hành các quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
|
Ảnh minh họa. |
EVN phải "gánh" hơn 1.400 tỷ
Kết luận Thanh tra nêu rõ, ngày 31/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023.
Theo đó, Chính phủ đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện (9,35 UScent/kWh) đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tham mưu mở rộng đối tượng là các dự án đã có trong quy hoạch và các dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch sau thời điểm ban hành Nghị quyết 115. Việc này là trái với nội dung Nghị quyết và kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Dẫn đến, 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng. Từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115.
Trong 14 dự án nói trên ở Ninh Thuận có đến 13 dự án do Bộ Công Thương phê duyệt sau thời điểm ban hành Nghị quyết 115. Các dự án gồm Hacom Solar, điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1, Thuận Nam Đức Long, Thiên Tân Solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Sơn Mỹ 2, Sơn Mỹ, Solar Farm Nhơn Hải, Bầu Zôn, Thuận Nam 12, SP Infra 1, Adani Phước Minh, Hồ Bầu Ngứ và dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV...
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ Công Thương còn tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 UScent/kWh tại khoản 1, Điều 5, Quyết định 13 không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo thống nhất về biểu giá FIT chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh... để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời..
EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét với điều kiện chủ đầu tư phải có hợp đồng xây dựng trước 22/11/2019 của bất kỳ hạng mục nào của hàng rào dự án và có bằng chứng hợp đồng đó đang được thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nêu lý do rằng không có cơ sở khi cho rằng các quyết định, thông tư về điện mặt trời hết hiệu lực nên chưa có cơ sở để EVN ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư, không tiếp thu triệt để ý kiến xác đáng của EVN (tại văn bản 6774/EVN ngày 12/12/2019).
Từ đó, Bộ tham mưu theo hướng mở rộng dự án bằng việc cho dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh. Vi phạm này của Bộ Công Thương cũng dẫn đến việc 14 dự án được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh không đúng đối tượng...
Đến thời điểm thanh tra, Bộ Công Thương chưa tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế mua bán điện để áp dụng thực hiện trên toàn quốc kể từ ngày 1/1/2021 sau khi giá FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực áp dụng theo nhiệm vụ được giao.
Nhiều bộ, ngành cùng chịu trách nhiệm
Kết luận thanh tra cho rằng, trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu.
Tuy nhiên, đối với việc tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giả FIT 7,09 UScent/kWh, ngoài trách nhiệm chính của Bộ Công Thương còn có trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan như Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và EVN do đã đồng thuận với phương án đề xuất của Bộ Công Thương.
Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chuyển các vụ việc liên quan đến điện tới Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Với 14 dự án đang được hưởng giá FIT không đúng nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện không đúng đối tượng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Điều này cũng khiến tài sản nhà nước bị thất thoát.
Do đó, đơn vị này đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, xử lý. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.
Tương tự, 54 dự án (tổng công suất 10.521 MW) đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh từ đề nghị của UBND các tỉnh, chủ đầu tư, dù không có quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến 2020.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao giá điện tăng?