Mới đây, trao đổi với PV về việc xử lý căn biệt thự hoành tráng xây dựng trên đất nông nghiệp (đất 03) tại xã Hồng Hưng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), ông Lê Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hồng Hưng yêu cầu chủ doanh nghiệp tháo dỡ công trình vi phạm trong tháng 5/2022.
Ngày 9/5, ông Phạm Văn Hanh - Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng cho biết, nhận được chỉ đạo của huyện, UBND xã đã yêu cầu chủ công trình vi phạm phải cam kết, xử lý công trình này. “Chúng tôi đang yêu cầu phải tháo dỡ công trình vi phạm”, ông Hanh nói.
|
Căn biệt thự được xây dựng trên đất nông nghiệp. |
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh về việc một căn biệt thự bề thế khang trang cùng nhiều hạng mục công trình được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp lên đến hàng nghìn m2. Căn biệt thự được xây dựng ngay sát khu vực nhà máy nhôm Hưng Phát của Công ty Cổ phần thương mại Phương Trung (xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Ông Lê Đình Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc cho biết, trước đây, công ty Phương Trung làm thủ tục mở rộng dự án nhà máy nhôm Hưng Phát tại CCN Gia Lộc (xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc).
“Thời điểm này, họ đã tự ý chuyển đổi mua lại một số diện tích đất nông nghiệp của người dân. Trên diện tích này, công ty đã xây dựng một ngôi nhà 2 tầng và một số hạng mục công trình khác. Tuy nhiên, UBND huyện Gia Lộc không chấp nhận việc xây dựng này”, ông Dũng cho biết.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc cho hay, diện tích đất nông nghiệp này đang làm trong ranh giới thu hồi đất để thực hiện dự án khu công nghiệp Gia Lộc mà Thủ tướng đã phê duyệt nên huyện đã cho dừng. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Hồng Hưng kiểm tra, xử lý.
“UBND xã Hồng Hưng đã lập biên bản hành vi vi phạm trên. Vừa rồi chúng tôi cũng về làm việc cùng UBND xã Hồng Hưng mời công ty Phương Trung này làm việc. Quan điểm của huyện là rất khoát phải giải tỏa. Quá trình làm việc, công ty này chấp nhận phương án tự giải tỏa để bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thu hồi đất. Huyện đã yêu cầu xã làm rõ thời điểm phải tự dỡ bỏ, giải tỏa. Trường hợp công ty không dỡ bỏ, huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có xử lý vi phạm về đất đai”, ông Lê Đình Dũng nói và cho biết thêm, diện tích đất nông nghiệp này nằm trong ranh giới thu hồi đất của KCN Gia Lộc nên huyện sẽ làm theo trình tự và đúng quy định pháp luật, xác định vi phạm sau đó sẽ đề xuất UBND tỉnh Hải Dương xử lý và ra quyết định thu hồi đất đối với trường hợp vi phạm đất đai.
“Trước đây, họ đề xuất để nguyên sau đó họ sẽ thuê lại diện tích đất này. Tuy nhiên, hiện đang giải phóng mặt bằng phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư dự án khu công nghiệp Gia Lộc. Do công ty này mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định nên huyện quyết định phương án quay lại quy trình cũ bồi thường, trả tiền cho người dân và doanh nghiệp này sẽ lấy lại tiền từ người dân mà họ mua bán, chuyển nhượng”, ông Dũng thông tin.
Ông Phạm Văn Hanh - Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng thừa nhận doanh nghiệp này chuyển nhượng, mua bán diện tích đất nông nghiệp (đất 03) của các hộ dân nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Trên diện tích đất nông nghiệp ấy từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, họ xây công trình nhà ở và nhiều hạng mục công trình khác. Do họ xây khuất bên cạnh nhà máy nên không ai để ý. Đến khi một doanh nghiệp được giao thực hiện dự án Khu công nghiệp Gia Lộc khảo sát và phát hiện ra nên đã báo cáo lên xã. Khi đó xã mới ra lập biên bản và yêu cầu dừng. Khi phát hiện ra, do vi phạm quá thẩm quyền xử phạt của xã nên UBND xã Hồng Hưng đã lập biên bản và báo cáo lên UBND huyện để có phương án xử lý. Việc báo cáo này được xã thực hiện từ tháng 11/2021”, ông Hanh nói.
Trả lời về việc tự ý mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp của đơn vị trên với người dân xã có nắm bắt được hay không?, ông Hanh cho biết: “Ngày đó, chính quyền xã có chứng thực cho các hộ tự chuyển đổi cho nhau”. Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng cho biết, xã đang làm các thủ tục đề nghị Hội đồng mặt bằng của huyện xử lý việc vi phạm trên đất nông nghiệp.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật đất đai, việc sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất ở mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là trái luật và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (đất ở) tại khu vực nông thôn, căn cứ diện tích đất chuyển mục đích trái phép, mức phạt giao động từ 3.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. Trường hợp hành vi chuyển mục đích sử dụng trái phép do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt với cá nhân nêu trên.
Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả, buộc đối tượng thực hiện hành vi chuyển mục đích sử dụng trái phép phải tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
* Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin vụ việc trên…
>>> Mời độc giả xem thêm video Đây là cách Thượng Hải xây dựng thành phố thông minh: