TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, dự kiến kéo dài 15 ngày. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, ngày 23/7, TP.HCM tiếp tục kéo dài cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến 1/8, đồng thời, siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách.
Thực hiện triệt để các quy định về giãn cách xã hội
Theo đó, ngoài các biện pháp đang tiến hành, TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình.
Thực hiện triệt để yêu cầu quy định phòng, chống dịch. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu và đi làm tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.
|
Ảnh: SGGP |
Tại các khu phong tỏa, TP.HCM yêu cầu thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc "đi chợ thay".
Thành lập Tổ công tác quản lý tại khu phong tỏa với sự tham gia của công an, quân sự, thanh niên xung phong, đoàn thể và Tổ giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng để tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy định về giãn cách với hộ gia đình tại nơi phong tỏa.
Chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng công an quân sự thường xuyên tuần tra, giám sát, thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách xã hội giữa người với người, nhất là trong các khu vực hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân cao. Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu.
Đối với các khu cách ly, người đang thực hiện cách lý phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng, không được tiếp xúc với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế). Bên cạnh đó, thành phố sẽ giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà với các ca F0, F1.
Nhóm đối tượng nào được phép hoạt động trong thời điểm giãn cách?
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, số người làm việc tại công sở không quá 1/3 tổng số lao động. Dừng toàn bộ các cuộc họp không cần thiết.
Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất tối thiểu để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết.
Các tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thiết yếu, y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, thu dung, điều trị…, các doanh nghiệp đang thực hiện phương án 3 tại chỗ, các bếp ăn từ thiện, cung cấp điện nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp dịch vụ logistic…được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Các loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông gồm vận chuyển hàng hóa đường thủy,(hàng hải, đường thủy nội địa), bến phà, các bến thủy (Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An, Thạnh An - Thiềng Liềng).
Các phương tiện được hoạt động trong giao thông đường bộ gồm: Xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (QR Code) được phép lưu thông vào hoặc xuyên qua thành phố, xe ôtô, mô tô, xe 2 bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan Nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TP.HCM về quê theo kế hoạch; xe đưa đón công nhân, chuyên gia với doanh nghiệp thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm"; taxi chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến cơ sở y tế (được Sở Giao thông Vận tải cấp phép); xe môtô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách; xe vận chuyển (được cấp phép hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh, Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế).
Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm (hình thức như chợ truyền thống) chỉ hoạt động theo mô hình mới (theo hướng dẫn của Sở Công Thương), có quy mô giảm khoảng 30%, chỉ kinh doanh hàng thiết yếu. Các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách chỉ cho phép triển khai thi công nếu đáp ứng "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm". Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm. Các loại hình kinh doanh dịch vụ, cơ quan, đơn vị, tổ chức không đề cập ở trên thì tạm ngưng hoạt động đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, các đơn vị được duy trì hoạt động trực cơ quan để đảm bảo phòng, chống cháy nổ, duy trì hệ thống.
Người dân TP.HCM sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ trong 30 ngày
Ngày 24/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương vừa có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "thẻ đi chợ".
Theo đó, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày.
Việc phát thẻ đi chợ,sẽ giúp kiểm soát số lượng phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tình trạng tập trung đông người. Riêng các khu vực phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp.
Sở Công thường đề nghị địa phương yêu cầu đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động làm việc, bán hàng phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, yêu cầu UBND TP Thủ Đức, quận huyện tổ chức phổ biến, triển khai đến các đơn vị quản lý chợ thực hiện theo Công văn 5858 của Bộ Y tế, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất việc thực hiện các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch đối với các chợ trên địa bàn quản lý.
Trường hợp chợ truyền thống khi đánh giá có nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao thì cần rà soát khắc phục để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch sẽ phải tạm ngừng hoạt động.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội giãn cách xã hội chống Covid-19, dịch vụ nào được phép hoạt động?