Ở Đà Nẵng (đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) có một bảng hiệu quảng cáo tạp nham các thứ... Bảng hiệu nhỏ ghi quảng cáo tạp nham các thứ, từ hớt tóc, giải phẫu thẩm mỹ, tàn nhang - nốt ruồi, hút các loại mụn… đến những thứ không liên quan đến nghề hớt tóc như chuyên trị bướu cổ, suyển, rắn độc, bạch điến…
Để cho bảng hiệu chi chít chữ này thêm ấn tượng, người ta chua một câu: “Do thợ TP. Hồ Chí Minh thực hiện”.
Xem thật kỹ bảng hiệu trên, mới hiểu rằng đây là tiệm hớt tóc, bởi bên phải có “lô-gô” với dòng chữ tiếng Anh Barber-shop chạy theo hình bán nguyệt. Còn nó “cõng” thêm một lô một lốc các công việc khác là do chữ Dermalogica - tên một loại mỹ phẩm dưỡng da, ở bên dưới “lô-gô” (ảnh).
|
Điên đầu với biển hiệu quảng cáo "độc". |
Hôm dừng chân trú mưa, có đủ thời gian “nghiên cứu”, một anh bạn muốn điên cái đầu khi đọc cái bảng hiệu “có một không hai” này. Người ta bảo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, bảng hiệu quảng cáo đủ thứ như thế chỉ tổ cho mọi người lánh xa!
Tuy nhiên, biển quảng cáo trên chỉ tác động đến một số người trong khu vực và độ phản cảm cũng chỉ ở mức “ao làng”. Trước đây, ở Hải Phòng có pa-nô quảng cáo chương trình ca nhạc “Vũ điệu đường cong” (do Công ty CP truyền thông và sự kiện Hiệp hội Ca sĩ Việt Nam tổ chức) đã khiến hàng trăm người dân bất bình, bức xúc.
Trên tấm pa-nô khổ lớn là hình ảnh các hot girl với những bộ bikini mát mẻ cùng dòng chữ in đậm “Chương trình không dành cho các bạn trẻ dưới 18 tuổi và phụ nữ đoan trang”. Đơn vị tổ chức chương trình đã bị Sở VH-TT&DL Hải Phòng xử phạt 20 triệu đồng vì treo pa-nô có nội dung phản cảm và sớm hơn thời gian cho phép.
Dù bị phạt nhưng những hình ảnh phản cảm trong pa-nô lại tiếp tục lan tràn khắp đường phố Hà Nội như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Phản ánh việc này, một tờ báo điện tử bình luận: Người phạt cứ phạt, người quảng cáo cứ quảng cáo, chứng tỏ câu khẩu hiệu “Cấm phụ nữ đoan trang” là cái đích mà đơn vị tổ chức chương trình muốn nhắm tới khán giả để kích thích sự tò mò mà quan trọng hơn là để bán vé và thu lợi.
Từng có một quảng cáo của hãng dầu gội Rejoice bị “ném đá”. Trong clip, một cô gái được bạn trai dẫn ra mắt ba mẹ của mình. Ấn tượng với mái tóc dài đẹp của cô gái, bà mẹ ngưỡng mộ hỏi thăm. Cô gái trả lời: “À không, chỉ là…”. Đây được cho là câu trả lời không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, bởi khi người trẻ nói chuyện với người lớn phải “vâng/ dạ/ thưa”. Bị dư luận phản ứng, doanh nghiệp đã sửa đổi nội dung clip, chữ “À không” được thay bằng “Dạ không”.
Đừng nghĩ là quảng cáo là tự do quảng bá sản phẩm của mình mà phải nghĩ đến dư luận xã hội bàn tán ra sao về việc làm của mình.