Dưới đây là một số kinh nghiệm:
1. Lựa chọn thời tiết:
Đây là lựa chọn quan trọng bởi quyết định đến chuyến đi của bạn, tránh nên đi vào lúc nhiệt độ thấp hay trời mưa, sương mù sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển trên địa hình đèo dốc. Có 2 chặng nghỉ đêm, một điểm ở độ cao 2.200m nhiệt độ vào mùa hè khoảng 12-15 độ C, mùa đông khoảng 8-10 độ C, điểm còn lại ở độ cao 2.800m, mùa hè khoảng 10-15 độ C, mùa đông khoảng 1-5 độ C.
2. Chuẩn bị sức khỏe:
Tập thể dục thường xuyên, chạy bộ hoặc leo cầu thang để rèn luyện sức khỏe trước chuyến đi. Nên ăn uống đầy đủ chất, đủ vitamin C. Với những người bị bệnh huyết áp, tim mạch không nên leo núi.
3. Vật dụng mang theo:
|
Khung cảnh đẹp như mơ ở Tây Bắc khiến nhiều phượt thủ thích thú (Ảnh: Đức Lê). |
Tùy vào thời điểm bạn lựa chọn leo núi mà mang theo quần áo cho thích hợp, thường vào mùa hè thì các loại chất liệu cotton mềm mại, thoáng, mùa đông là áo chống thấm, chống gió. Các loại giày leo núi chuyên dụng, ba lô chống thấm, chắc chắn, găng tay cao su có gai để dễ dàng bám vào sườn núi, cành cây là những lựa chọn hợp lý.
Ngoài ra còn các vật dụng như bọc cổ chân, gối có tác dụng để cố định gân, dây chằng, cơ đề phòng bong gân trong quá trình di chuyển; mũ mềm rộng vành, có quai hoặc mũ len trùm đầu khi ngủ đêm cho ấm. Một chiếc khăn quàng hay áo chống gió nhẹ cũng rất tiện ích trong bất cứ thời tiết nào.
Nên mang theo một vật dụng y tế, bông băng, thuốc tiêu chảy, cảm cúm, dầu gió... và các loại thức ăn tiện lợi, mang hàm lượng dinh dưỡng cao như chocolate, sâm, kẹo, bánh mì, bơ, ruốc, trứng luộc, phô mai... và không thể thiếu nước uống. Nên mang theo một số loại hoa quả và khi uống nước nên uống từng ngụm nhỏ.
Nếu tự đi nên chọn một người bản địa dẫn đường. Tốt nhất nên đi theo nhóm, mang theo túi ngủ loại dành cho 2 người, 3 người… tuỳ theo số lượng người trong đoàn cùng dao, bật lửa.
4. Các thiết bị:
Gậy leo núi bằng kim loại nhẹ, có lò so đàn hồi hoặc loại gậy bằng trúc già mà bạn có thể tìm kiếm trên đường đi.
Đèn pin loại nhỏ, ánh sáng tốt, có khả năng tích điện cao; dao đi rừng, các thiết bị GPS dẫn đường, bản đồ, điện thoại thông minh, sạc pin máy ảnh, điện thoại và cần phải có trong tay danh sách số điện thoại của chính quyền địa phương. Phải tính toán trước đến những trường hợp không may xảy ra đến với mình để có ngay sự cấp cứu khi cần thiết..
Nên mang máy ảnh chụp tự động dạng mini du lịch nhỏ gọn vì đường rừng rất rễ bị va chạm vào đá, cây rừng. Nên mang theo túi nilong nhỏ để đựng các thiết bị điện tử phòng khi trời mưa.
5. Làm gì khi bị lạc rừng
Theo TS Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group, trước hoàn cảnh khắc nghiệt, điều khó nhất phải vượt qua là tinh thần.
Trong trường hợp bị lạc trong rừng phải có niềm tin, lạc quan là sẽ thoát được. Bản thân phải biết cách để duy trì cuộc sống bằng những gì sẵn có như cách chọn nguồn nước, các loại cây có thể ăn được, trường hợp gặp thú rừng sẽ phải đối phó ra sao, cách làm tín hiệu…Tất cả đều phải được rèn luyện thực tế, phải được trải nghiệm học về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn.
Trong nhiều trường hợp không đến mức quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì không có niềm tin, không có tinh thần mà hoảng loạn dẫn đến cái chết. Vì thực tế chứng minh, lúc hoảng loạn người ta hay làm những động tác thừa dẫn đến mất sức.