Bêu tên dưới cờ là cách giáo dục dựa trên sự đau đớn của học trò

Google News

TS Trần Thành Nam cho rằng giáo viên cần quán triệt triết lý kỷ luật tích cực, không giáo dục học sinh dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi.

“Vụ việc nữ sinh nghi tự tử ở An Giang là tiếng trống cảnh tỉnh về cách thức ứng xử của giáo viên với học sinh, đặc biệt là trong giai đoạn các em càng ngày càng nhạy cảm với sự tôn trọng”, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nói về vụ nữ sinh ở An Giang.

TS Trần Thành Nam lý giải việc bêu tên học sinh trước trường là hình thức kỷ luật dựa trên nguyên tắc làm học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị, qua đó, hy vọng các em sẽ thay đổi hành vi.

Theo ông, hình thức này thuộc dạng kỷ luật truyền thống, hạ thấp, giảm giá trị của người học và dẫn đến nhiều nguy cơ.

Beu ten duoi co la cach giao duc dua tren su dau don cua hoc tro

Học sinh để lại thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc nhằm thể hiện thông điệp không muốn bạn khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Ảnh: GĐCC.

Bêu tên dưới cờ là bạo lực tinh thần

Học sinh bị phạt như vậy sẽ oán giận. Thậm chí, một số em có hành vi trả đũa bằng cách chống đối giáo viên hay tự gây hại cho bản thân, khiến mọi người hối hận vì đã phạt mình.

Như trường hợp ở An Giang, nếu thực sự nữ sinh để lại thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc, tức em tự gây hại bản thân để phản ánh mình không chấp nhận, đồng ý với cách xử phạt của thầy cô. Hành vi đó cũng có thể thể hiện thông điệp muốn người khác dừng lại cách xử phạt đó, không ai phải rơi vào hoàn cảnh giống mình.

Ông cho rằng đẩy đứa trẻ đến tình huống này không phải chỉ mỗi thầy cô mà có thể một phần do gia đình. Nếu gia đình không tin tưởng con, đồng ý với cách hành xử của thầy cô, trẻ cảm thấy cả thế giới, bao gồm người thân quan trọng nhất, quay lưng với mình.

“Trong trường hợp đó, học sinh sẽ cảm thấy mình là một đứa tồi, láo, không có giá trị, đáng bị trừng phạt. Những trẻ có vấn đề tâm lý sẵn hoặc thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc dễ dẫn đến hành động trả đũa, làm người khác hối hận vì đã làm mình tổn thương”, TS Trần Thành Nam phân tích.

Ông Nam khẳng định việc bêu tên học sinh trước toàn trường là bạo lực tinh thần. Trường hợp này liên quan một số hình thức bạo lực như bằng lời nói (mắng nhiếc), bêu tên, lấy lỗi cá nhân để bôi xấu trước toàn trường và có thể có dạng khác là bỏ mặc.

“Bỏ mặc tức là bố mẹ không quan tâm, lắng nghe, tin tưởng, thuộc dạng bạo lực không hành động kịp thời”, ông Nam cho hay.

Beu ten duoi co la cach giao duc dua tren su dau don cua hoc tro-Hinh-2

Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang. Ảnh: M.N.

Cần kỷ luật tích cực

Thực tế, theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, việc phê bình học sinh trước lớp, trường không còn được cho phép. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng để thông tư đi từ ngành đến cơ sở, trường học cần có quá trình. Nhưng quan trọng hơn, giáo viên cần quán triệt triết lý kỷ luật tích cực.

Theo đó, mục tiêu tốt nhất của kỷ luật tích cực là không kỷ luật mà đưa học sinh vào trạng thái kỷ luật, bầu không khí tâm lý tích cực.

“Chúng ta có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói một cách thông thường là làm gương, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, ông Nam phân tích.

Khi người lớn chú ý đến điểm mạnh, hành vi tốt, trẻ cũng sẽ chú ý vào đó. Hành vi tốt tăng lên đồng nghĩa hành vi xấu giảm đi. Theo ông Nam, đấy là cách thức bền vững nhất để giảm hành vi xấu.

“Những biện pháp đi ngược quan điểm này, như giáo dục dựa trên đau đớn và bị nhục nhà, sợ hãi, là bạo lực”, TS Trần Thành Nam khẳng định và cho rằng xử phạt như vậy là trái với Thông tư 32.

Đương nhiên, trong một số tình huống, giáo viên vẫn cần phạt học sinh nhưng phải dựa trên hệ quả tự nhiên (ví dụ, trẻ không ăn phải chịu đói) và logic (trẻ vứt rác bừa bãi sẽ phải tự dọn vệ sinh). Việc dựa trên hệ quả tự nhiên phải đảm bảo đứa trẻ an toàn, được tôn trọng.

Hệ quả logic dựa trên 3 yếu tố liên quan - tôn trọng - hợp. Ở yếu tố liên quan, hình thức xử phạt phải liên quan lỗi hành vi. Tôn trọng tức biện pháp đó phải làm trẻ hiểu rằng giáo viên đưa ra hình phạt vì muốn mình tốt lên, không phải để trả thù cá nhân hay thiên vị.

Yếu tố thứ 3 là hợp lý. Ví dụ, học sinh vứt rác xuống lớp, giáo viên không thể phạt em cọ nhà vệ sinh - nơi hôi hám, tối tăm, khiến trẻ sợ (tức bạo lực theo cách phạt truyền thống). Hơn nữa, cách xử phạt này còn khiến học sinh xấu hổ với bạn bè.

Ông Nam nói thêm không chỉ khi Bộ GD&ĐT ra Thông tư 32, trước đó, trong quá trình học, sinh viên sư phạm đã có kỳ thực tập để trải nghiệm các tình huống sư phạm, học cách xử lý tình huống để có cách hành xử phù hợp trong môi trường giáo dục.

Tuy nhiên, ông cho rằng cần kéo dài thời gian thực hành này để sinh viên sư phạm gặp đa dạng tình huống, rèn luyện phẩm chất đạo đức và cách ứng xử dựa trên các nguyên tắc trên.

Ngoài ra, một số chương trình như tại ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh viên sư phạm được học môn Đạo đức nhà giáo dục - môn học dài nhất từ trước đến nay, kéo dài trong suốt 4 năm.

Ngay từ năm nhất, sinh viên có nhiệm vụ lập và theo đuổi dự án về văn hóa, cách thức ứng xử dạy trong 4 năm. Giảng viên đánh giá hoàn thành môn học dựa trên cả quá trình sinh viên học các môn khác, ứng xử với bạn bè trong lớp, môi trường cảnh quan trong trường, quá trình thực tập…

Hỗ trợ tâm lý cho nữ sinh tại An Giang

TS Trần Thành Nam cho rằng nữ sinh tại An Giang cần được hỗ trợ tâm lý. Nếu thực sự nữ sinh này lại viết thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc, điều đó cho thấy năng lực quản lý cảm xúc và năng lực giải quyết vấn đề còn yếu, nên mới chọn cách xử lý tiêu cực.

Trong khi đó, khả năng quản lý cảm xúc, còn gọi là trí tuệ cảm xúc, là năng lực quan trọng của công dân thế kỷ 21, ngày càng được đề cao. Còn năng lực giải quyết vấn đề là khả năng chuyển đổi, giúp cá nhân thích ứng linh hoạt với bối cảnh thay đổi của thị trường lao động trong tương lai.

Theo Nguyễn Sương/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)