Bé trai bị bác chém lìa tay ở Bắc Giang: Nguyên nhân do bệnh trầm cảm?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc đối tượng Hoàng Văn Líu bất ngờ cầm dao sang nhà tấn công cháu họ và chém đứt lìa bàn tay trái được Chủ tịch UBND xã Giáo Liêm tiết lộ do Líu thần kinh không bình thường và có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Vụ việc bé trai 10 tuổi Hoàng Văn Văn (thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang) đang nằm xem điện thoại tại nhà vào sáng 7/9 bất ngờ bị đối tượng Hoàng Văn Líu (SN 1970) là bác họ cầm dao lao vào tấn công, chém đứt lìa bàn tay trái khiến dư luận đặt câu hỏi, nguyên nhân vì sao người bác họ lại hành động như vậy?
Theo lời ông Lục Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Giáo Liêm, Hoàng Văn Líu không có mâu thuẫn gì với gia đình nạn nhân, thậm chí hàng ngày đối tượng vẫn thường sang nhà cháu bé chơi. Tuy nhiên, đối tượng Líu thần kinh không bình thường, có dấu hiệu bị trầm cảm và đã từng cầm dao dọa chém cả nhà sau mỗi lần say rượu.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động đang đấu tranh với đối tượng Líu để làm rõ nguyên nhân vụ việc nhưng từ thông tin vụ việc trên rất có thể đối tượng Líu bất ngờ chém cháu mình là do thần kinh không bình thường do thường xuyên sử dụng bia rượu. Đồng thời cảnh báo những hệ quả đau lòng do căn bệnh trầm cảm gây ra xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều rượu bia.
Be trai bi bac chem lia tay o Bac Giang: Nguyen nhan do benh tram cam?
 Đối tượng Hoàng Văn Líu và hiện trường vụ việc.
Thực tế đã chứng minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm, trong đó có nguyên nhân do lạm dụng một số chất kích thích như rượu bia gây ra ảo giác dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và không kiểm soát được hành vi.
Hậu quả thương tâm của vụ việc trên, khiến một cháu bé đã phải hứng chịu những nhát dao oan nghiệt từ người bác họ dẫn đến đứt lìa bàn tay trái, bị thương ở tay phải và góc mắt trái. Dù gia đình đã kịp thời phát hiện can ngăn nên cháu bé may mắn thoát chết và phần bàn tay cháu bé bị đứt lìa đã được bảo quản và đưa ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để nối lại bàn tay nhưng cháu bé sẽ phải mang thương tích cả đời.
Dù do trầm cảm sau khi sử dụng bia rượu dẫn đến thần kinh không bình thường nhưng hành vi của người bác họ đã có dấu hiệu của tội giết người khi dùng hung khí nguy hiểm tấn công cháu bé. Việc cháu bé không chết là do gia đình kịp thời phát hiện nếu không hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi, vì sao Hoàng Văn Líu có biểu hiện thần kinh không bình thường, có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm một thời gian dài và đã từng cầm dao chém cả nhà mà gia đình không đưa đối tượng này đi thăm khám?
Bởi đối với những người có dấu hiệu thần kinh không bình thường như Hoàng Văn Líu cần phải được đưa đi khám bệnh. Nếu bệnh nặng, gia đình không quản lý được thì cần đưa đến điều trị tại các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần.
Sự chủ quan đối với việc này, không có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa là rất nguy hiểm bởi trên thực tế, đã có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do chứng bệnh trầm cảm nặng, hoang tưởng cấp, ảo thị thị giác bị biến hình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc liên tiếp xảy ra.
Điển hình là vụ việc ngày 15/6/2019 vừa qua, thiếu úy Tạ Quang Đạt là Đội trưởng tham mưu tổng hợp Đồn biên phòng Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, Long An) bị trầm cảm trong thời gian dài, vừa đi điều trị về dùng súng bắn ba cán bộ khác bị thương sau đó tự sát hay như vụ việc rúng động dư luận Hà Nội vào tháng 7/2018, khi Hoàng Thị Sen (SN 1995) có dấu hiệu trầm cảm do liên tiếp chịu tang cha và chú đã dùng thắt lưng siết cổ chính con đẻ mới 8 tuổi và cháu họ mới 6 tuổi rồi tự tử.
Bởi khi bị trầm cảm do sử dụng chất kích thích người bệnh thường có những suy nghĩ tiêu cực như mình là người vô dụng, vô tích sự, không thể làm chuyện gì tốt, gây phiền hà cho người khác… nên dễ dẫn đến hành vi tự tử. Thậm chí có người bệnh còn cho rằng, người thân, con em mình sống quá khổ nên muốn sát hại họ như một cách giải thoát và hành vi dùng dao bất ngờ chém cháu họ của Líu sau khi sử dụng bia rượu là một minh chứng của căn bệnh này.
Qua vụ việc trên cho thấy, đã đến lúc xã hội phải dành sự quan tâm đặc biệt cho căn bệnh trầm cảm để tránh những vụ việc thương tâm xảy ra với người thân và xã hội.
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn chán và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến người bệnh khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí có những trường hợp nghiêm trọng, trầm cảm có thể dẫn người bệnh đến ý định tự tử.
Dấu hiệu thường gặp ở người trầm cảm:
Nét mặt luôn trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi. Mất hết mọi hứng thú trong cuộc sống, đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần gũi người thân, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm.
Ăn ít cảm giác không ngon miệng, lạt miệng.
Trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe.
Đầu óc khó tập trung, do dự không “quyết” được, không đối phó được, hay quên
Hay than phiền nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay mua thuốc uống không hết.
Có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận, quạu cọ. Giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, cảm thấy bế tắc. Tự thấy chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm cách chết.
Nguyên nhân trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm có thể gây ra do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân trầm cảm phổ biến bao gồm:
Gen: nếu bạn có người thân trong gia đình từng bị trầm cảm thì bạn có thể có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm hơn người bình thường.
Các chất hóa học trong não: theo một số nghiên cứu, thành phần các chất hóa học trong não người mắc bệnh trầm cảm khác với người bình thường.
Stress: người thân yêu qua đời, những khó khăn trong mối quan hệ tình cảm hay bất cứ tình huống gây stress nào cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, bao gồm:
Sau khi sinh bé, một số người bị trầm cảm sau sinh.
Có tiền sử mắc rối loạn lo lắng, rối loạn nhân cách giới hay rối loạn sau sang chấn.
Lạm dụng thức uống có cồn và các loại thuốc gây nghiện trái pháp luật.
Một số tính cách như thiếu tự tin vào bạn thân, quá độc lập, tự chỉ trích bản thân hay bi quan.
Mắc bệnh nặng hay bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường hay bệnh tim.
Dùng một số loại thuốc như thuốc chữa cao huyết áp hay thuốc ngủ (hãy bàn với bác sĩ của bạn trước khi ngưng dùng bất kì thuốc nào).
Những chấn thương hay căng thẳng, như bị lạm dụng về thể xác và tình dục, mất đi người mà mình yêu thương, mối quan hệ khó khăn hay vấn đề về tài chính.
Có họ hàng ruột thịt mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hay đã tự tử.
Các biện pháp điều trị bệnh Trầm cảm
Trầm cảm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân tự sát là rất cao chiếm 50% tổng số bệnh nhân trầm cảm. Trong gia đình, người thân có ai có những biểu hiện trên cần được đưa đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần khám phát hiện và chữa trị kịp thời.
Nguyên tắc điều trị:
Cắt các rối loạn cảm xúc.
Chống tái phát.
Phục hồi chức năng.
Không được tự ý dùng thuốc.
Dùng thuốc đúng, đủ theo phác đồ, không tự ý bỏ thuốc
Thông báo với bác sĩ những tác dụng phụ của thuốc để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất
Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc theo đúng cơ chế bệnh tùy từng trường hợp bệnh cụ thể do bác sĩ chuyên khoa tâm thần kê đơn đem lại hiệu quả rất tốt tỉ lệ khỏi bệnh cao, ít tái phát.
Điều trị bằng liệu pháp tâm lý: chia sẻ, cảm thông, gần gũi người bệnh.
Điều trị khác như vật lý trị liệu: xoa bóp trị liệu, châm cứu,...
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)