Ngày 27/5, bé gái tên K. (1 tuổi, trú tại phường Tân Tạo) được đưa vào một bệnh viện trên địa bàn cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ xác nhận bé gái tử vong trước khi vào bệnh viện, cơ thể nhiều chỗ tím tái, có dấu hiệu nghi vấn bị bạo hành nên đã báo công an.
Công an quận Bình Tân vào cuộc điều tra, lấy lời khai những người liên quan để làm rõ. Qua khám nghiệm sơ bộ, bé K. bị đa chấn thương vùng bụng, có dấu hiệu nghi bị bạo hành.
Theo chị V. (SN 1984) – mẹ ruột bé K, sáng 27/5, chị giao con gái cho Tr. (SN 2001, trú tại quận Bình Tân) trông giữ. Đến trưa ngày 27/5, Tr. gọi cho chị V. nói bé K. bị ho, ói sữa và tím tái. Người mẹ vội về đưa con gái tới bệnh viện, nhưng bé đã tử vong.
|
Nhà của chị Tr. - nơi xảy ra vụ bé gái tử vong nghi bị bạo hành.
|
Bước đầu, Tr. khai do bực tức bé K. ho, ói nên đã dùng tay đánh vào vùng bụng. Khi thấy cháu K. tím tái, bất tỉnh, Tr. gọi cho mẹ bé và cùng đưa đi cấp cứu.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với kết quả khám nghiệm tử thi và lời khai bước đầu của người trông giữ trẻ, cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Theo thông tin ban đầu, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cháu bé bị đa chấn thương vùng bụng, nghi do bạo hành. Bản thân Tr. khai nhận đã dùng tay đánh nhiều lần vào vùng bụng cháu.
Cô gái trông trẻ đã 21 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên phải hiểu việc đánh liên tục vào vùng bụng một đứa trẻ 1 tuổi hoàn toàn có thể gây ra thương tích, thậm chí thiệt mạng cho cháu bé nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của bé có thể xảy ra. Thực tế cháu bé đã tử vong.
Theo luật sư Cường, hành vi của Tr. không chỉ hành vi hành hạ người khác mà còn là hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em. Có nhiều hành vi xâm phạm đến thân thể của trẻ em (tác động vật lý đến thân thể của nạn nhân) như: hành hạ người khác, cố ý gây thương tích, giết người.
Hành vi hành hạ người khác theo quy định của pháp luật là hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc và hậu quả nghiêm trọng nhất của tội danh Hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 bộ luật hình sự là: "Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổng thương cơ thể 31% trở lên". Hậu quả của hành vi hành hạ người khác không phải là gây ra thương tích, cũng không phải là gây ra thiệt mạng cho nạn nhân.
Trong khi đó, hành vi đánh đập, hành hạ người khác mà gây ra thương tích thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự. Hành vi đánh đập, hành hạ người khác mà gây ra thiệt mạng cho nạn nhân hoặc hành vi có thể gây ra thiệt mạng cho nạn nhân bằng các động tác đánh vào vùng nguy hiểm, trọng yếu trên cơ thể nạn nhân hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự.
Theo thông tin vụ việc trên cho thấy, hành vi của Tr. đã thoả mãn các dấu hiệu cấu thành của tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự với lỗi cố ý gián tiếp. Với hành vi phạm tội với người dưới 16 tuổi, người sát hại trẻ em sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Kết quả giám định pháp y và xem xét dấu vết trên cơ thể của cháu bé là cơ sở pháp lý để xác định hậu quả xảy ra và nguyên nhân cháu bé tử vong. Lời khai của cô gái trẻ cũng là cơ sở để xác định nguyên nhân và diễn biến hành vi. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lấy lời khai của nghi phạm, lời khai của người làm chứng và thu thập các chứng cứ, tài liệu đồ vật có liên quan để xác định nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, nhận thức của cô gái trẻ này để xác định các dấu hiệu tội phạm trong vụ việc này, làm căn cứ xác định tội danh để khởi tố theo quy định của pháp luật.
Để xác định chính xác tội danh, cần phải làm rõ diễn biến hành vi và nhận thức của cô gái này khi thực hiện hành vi đánh vào cơ thể của cháu bé là yếu tố quan trọng để xác định tội danh là tội giết người hay tội vô ý làm chết người.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc gửi trẻ như thế này có thực hiện thường xuyên hay không, cô gái này có phải là cơ sở trông giữ trẻ tự phát, trái pháp luật hay không để xử lý triệt để. Đây cũng là cơ sở để xác định nguyên nhân sự việc, thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Cơ quan chức năng cũng cần phải kiểm tra rà soát phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở trông giữ trẻ tự phát, những người thực hiện những hành vi bạo hành trẻ em, vi phạm đạo đức trong giáo dục, cần phải loại bỏ khỏi môi trường giáo dục, cấm hành nghề và xử lý bằng các chế tài của pháp luật thì mới đảm bảo bảo vệ trẻ em an toàn trong môi trường giáo dục.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cha ruột bạo hành con gái gần 1 tuổi để níu kéo vợ: