Tối 23/2, Công an TP Đà Nẵng cho biết, liên quan vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đoàn Quang Vinh (SN 1962) – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, tội phạm được quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 9/2, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Hoàng Quang Huy (SN 1989) - Trưởng Phòng Kế hoạch - tài chính và bà Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973) - Thủ quỹ của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng về tội “Tham ô tài sản”.
|
Cơ quan CSĐT thực hiện các thủ tục tố tụng đối với ông Vinh. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).
|
Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP xác định, Hoàng Quang Huy và bà Lâm Thị Hồng Tâm thực hiện hành vi ký khống séc (séc không khi đầy đủ số tiền và các nội dung theo quy định) rồi sau đó điền thông tin số tiền để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cụ thể, để thực hiện việc rút tiền, bà Tâm sử dụng quyển séc ngân hàng BIDV được giao quản lý, không điền đầy đủ thông tin vào mà đưa cho Huy ký xác nhận mục “Kế toán trưởng”, sau đó trình cho ông Đoàn Quang Vinh (SN 1962), trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) – lúc đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, chủ tài khoản ký duyệt phát.
Ông Huy đồng ý và ký duyệt trước trên các tờ séc không có nội dung, để bà Tâm trình ông Vinh ký duyệt. Khi ông Vinh hỏi về số tiền sao không được ghi rõ, thì bà Tâm trình bày đã bàn với Huy và đợi Huy cân đối số tiền còn trong tài khoản rồi ghi vào cho phù hợp và ông Vinh đã duyệt các séc khống như vậy cho bà Tâm. Bà Tâm dùng séc khống đã được ký duyệt đầy đủ, điền thông tin số tiền cần rút rồi liên hệ ngân hàng rút tiền.
Với thủ đoạn nêu trên, Tâm đã nhiều lần rút tiền thành công từ tài khoản ngân hàng của Trường ĐH Bách khoa mở tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Hải Vân. Sau khi rút được tiền, bà Tâm không nhập quỹ tiền mặt mà sử dụng hết và mục đích cá nhân.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, việc ông Vinh thực hiện việc ký séc cho bà Tâm nhưng séc không có nội dung, hoàn toàn không có văn bản đề xuất phương án chi và chứng từ dự toán chi, thể hiện sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản Nhà trường để sử dụng, nhưng ông Vinh vẫn ký phát séc.
Sau khi ký séc không có nội dung, ông Vinh không kiểm tra số tiền đã rút là bao nhiêu? Có thực hiện việc nhập quỹ tiền mặt hay không? Chi thực tế vào nội dung gì? Chứng từ tài liệu chứng minh việc chi tiền là gì?..., mà để mặc cho bà Tâm và ông Huy thực hiện hành vi tương tự trong thời gian dài từ năm 2021 đến ngày 31/12/2022.
Hành vi của ông Vinh vi phạm nghiêm trọng các quy định về lập và ký phát séc, vi phạm các quy định về việc quản lý sử dụng tài sản công, hậu quả từ năm 2021 đến thời điểm ngày 31/12/2022, bà Tâm đã rút và chiếm đoạt của Nhà trường hàng chục tỷ đồng.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, hành vi do ông Vinh thực hiện đã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, được quy định tại Khoản 9, Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” qui định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Vụ việc đang tiếp tục được Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng tiến hành điều tra, làm rõ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng