Bắt giam 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Lãnh đạo... sống sao để tiếng thơm!

Google News

(Kiến Thức) - Đời người ai cũng chỉ sống một lần nhưng sống làm sao để tiếng thơm để đời. Nếu giàu có, nhà cao cửa rộng cũng nên bằng những đồng tiền chính đáng mà có như thế con cháu mới có thứ để tự hào về cha ông chúng. Còn nếu để lại tiếng xấu, con cháu sau này sao có thể ngẩng cao đầu.

Sau một tuần xét xử phúc thẩm và nghị án vụ án thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng, chiều 12/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án với 21 bị cáo. Đáng chú ý, 2 trong số đó là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Theo bản án tòa tuyên, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh phải nhận án 17 năm tù cho hai tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng Văn Hữu Chiến dù được giảm 2 năm tù so với án sơ thẩm nhưng tổng hình phạt cho hai tội danh như trên cũng lên đến 10 năm tù.
Đáng chú ý, HĐXX tuyên bắt tạm giam 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến ngay tại phiên tòa.
Bat giam 2 cuu Chu tich Da Nang: Lanh dao... song sao de tieng thom!
 Hai cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Trần Văn Minh tại tòa. Ảnh: Nhà đầu tư.
Việc HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng và tuyên các mức án như trên được dư luận đồng tình.
Bởi hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bộ máy hành chính, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, đồng thời là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn.
Tuy nhiên, các bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai khi ký ban hành các văn bản chỉ đạo chủ trương xử lý nhiều nhà, đất công sản và dự án trái quy định tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” thâu tóm nhiều nhà, đất công sản trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra 19 bị cáo khác, trong đó không ít người là lãnh đạo các Sở, văn phòng UBND TP Đà Nẵng cũng đã phải nhận mức án tương ứng với tội danh và hành vi gây ra.
Việc hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng và các bị cáo phải nhận những bản án trên là hoàn toàn thích đáng. Đây cũng là bài học đau xót cho bản thân hai bị cáo và nhiều cán bộ đang đương chức khác.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Cha ông ta đã tổng kết: danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu".
“Danh thơm còn mãi” nhưng tiếng xấu cũng mãi lưu truyền. Lẽ ra ở vị trí lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng, hai cựu lãnh đạo phải soi chiếu lời dạy của cha ông để tự răn mình không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi lãnh đạo chủ chốt vốn còn mang trọng trách nêu gương, việc họ vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây thất thoát tài sản của nhà nước tới mức bị truy tố, xét xử và nhận án tù không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, tổ chức mà còn ảnh hưởng đến gia đình, người thân và con cái họ.
Nhớ lại ở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh đã mang công trạng của bố mẹ với cách mạng và công trạng của bản thân ra tòa để kể lể và cho rằng, các cơ quan tố tụng đã gạt bỏ hết công sức đóng góp của gia đình bị cáo này cho đất nước.
Tuy nhiên, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lẽ ra bị cáo Trần Văn Minh phải lấy đó làm gương sáng để học tập, cống hiến cho đất nước ở cương vị lãnh đạo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Thực tế với cương vị người đứng đầu thành phố Đà Nẵng bị cáo lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của nhà nước với số tiền lên đến 22 nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến khi thực hiện các hành vi vi phạm trên liệu có nhớ phàm đã làm người lãnh đạo là hiến thân phụng sự Tổ quốc, báo hiếu cha mẹ tổ tiên, làm tấm gương cho con cái. Lẽ ra nên cân nhắc lối sống bản thân sao cho cuối đời để lại tiếng thơm cho con cháu.
Đời người ai cũng chỉ sống một lần nhưng sống làm sao để tiếng thơm để đời. Nếu giàu có, nhà cao cửa rộng cũng nên bằng những đồng tiền chính đáng mà có như thế con cháu mới có thứ để tự hào về cha ông chúng. Còn nếu để lại tiếng xấu, không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình mà con cháu về sau làm sao mà ngẩng cao đầu khi cha ông chúng là những người vi phạm pháp luật đến mức phải ngồi tù.
Đó cũng là bài học lớn cho những cán bộ đang đương chức. Ở bất kỳ cương vị nào cũng cần sống sao để có thể để lại tiếng thơm cho con cháu.
>>> Mời độc giả xem video Vũ "nhôm" và hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng không oan

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)