Mới đây, Thanh tra TP HCM đã công bố kết luận chỉ ra việc công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ không đúng quy định xảy ra tại Sở LĐ,TB&XH TP HCM và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở này.
Thanh tra TP HCM khẳng định trách nhiệm trên thuộc về giám đốc và lãnh đạo các trung tâm, cơ sở trực thuộc Sở LĐTB&XH TPHCM tại thời kỳ xảy ra thiếu sót, vi phạm. Trách nhiệm chỉ đạo điều hành kiểm tra giám sát thuộc lãnh đạo Sở LĐTB&XH TPHCM.
|
Trung tâm Thị Nghè. Ảnh: SGGP |
Đồng tình với TP TP HCM khi cho rằng, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Sở LĐTB&XH TPHCM và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc sở này, đại biểu QH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp khi trao đổi với PV Kiến Thức cho rằng, trong công tác cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt, cân nhắc cán bộ đã có hướng dẫn và những quy định rất cụ thể.
“Bên Đảng có hướng dẫn về mặt Đảng, phía chính quyền có hướng dẫn về phía chính quyền. Bên Đảng có Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban tổ chức Trung ương còn về phía bên chính quyền có Bộ Nội vụ trở xuống đã hướng dẫn những quy trình về công tác cán bộ rất cụ thể, rõ ràng. Do đó, chỉ có cá nhân nào đó cố tình để xảy ra những sai phạm trong công tác cán bộ như vậy” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Hòa đặt nghi vấn, không khéo trong những trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định trên có những trường hợp là người nhà, là hậu duệ, người thân thích hoặc lợi ích nhóm, người thân quen gửi gắm.
“Trong công tác bổ nhiệm cán bộ như bổ nhiệm trưởng phòng thì phải có trung cấp chính trị, phải có bằng cấp, tiêu chuẩn. Nếu không đủ điều kiện mà vẫn bổ nhiệm, cất nhắc thì đó là sai. Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt cán bộ cũng đều phải có quy trình, ngoài các quy định cũng phải lấy ý kiến của tập thể, cơ quan, đơn vị. Nếu là đảng viên lấy ý kiến trong chi ủy, chi bộ. Đó là quy trình về công tác cán bộ đã được hướng dẫn cụ thể rõ ràng” - đại biểu Hòa nói.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, nếu làm sai quy trình đó là cố ý, cố tình vì lý do nào đó. Đây là hành vi vi phạm về luật cán bộ công chức, viên chức cũng như quy định về công tác cán bộ. Cán bộ đảng viên cố tình vi phạm như vậy cần phải xử lý thích đáng đối với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị đó. Cụ thể là lãnh đạo Sở LĐTB&XH TPHCM, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc sở này.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
“Anh là người đứng đầu cơ quan đơn vị không thể nói rằng không biết, không hay, không thấy việc đó. Việc kiểm điểm trách nhiệm là rất rõ ràng, cụ thể. Sự việc sai phạm trong công tác cán bộ xảy ra không chỉ ở Sở LĐ,TB&XH TP HCM mà nhiều đơn vị trên cả nước. Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương đã từng xử lý nhiều trường hợp vi phạm, đã cảnh báo và đã có rút kinh nghiệm.
Thậm chí, cơ quan quản lý cũng có những văn bản, quy định phòng ngừa không cho tái diễn những trường hợp đó nữa mà lại xảy ra bổ nhiệm cán bộ sai quy định tại Sở LĐ,TB&XH TP HCM thì rõ ràng đây là hành vi cố ý vi phạm về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ không đúng quy định”, - đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, phải xử lý cụ thể chứ không thể nào chấp nhận được việc này.
“Thực tế, các cơ quan, đơn vị đều đã được hướng dẫn khi phân công, bổ nhiệm cán bộ với những quy định rất chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH TP HCM, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc sở này vẫn làm sai như vậy thì cần phải xử lý trách nhiệm” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo kết luận thanh tra TP HCM, Trung tâm Thị Nghè đã bổ nhiệm 4 trường hợp khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền về bổ nhiệm viên chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là không thực hiện quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trung tâm Gò Vấp bổ nhiệm 18 cán bộ, Trung tâm Thị Nghè bổ nhiệm 8 trường hợp, Cơ sở Bố Lá bổ nhiệm 2 trường hợp… khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh về lý lịch, tiêu chuẩn chính trị.
Trung tâm Thị Nghè bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 10 cán bộ, Cơ sở Đức Hạnh bổ nhiệm lại 5 trường hợp, Cơ sở Phú Nghĩa bổ nhiệm lại 1 trường hợp chưa đúng quy trình, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.
Ngoài ra, Thanh tra TPHCM còn chỉ ra sai phạm trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ khi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý...chưa phù hợp khung năng lực cán bộ, với 17 trường hợp.
Đối với Sở LĐTB&XH TP HCM, Thanh tra TPHCM chỉ ra có 7 trường hợp bổ nhiệm, điều động cán bộ chưa phù hợp năng lực vị trí được bổ nhiệm. Đáng chú ý, năm 2019, phát hiện 6 trường hợp vi phạm công tác cán bộ tại đơn vị trực thuộc và đã thu hồi 3 quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Có đến 8 trường hợp cán bộ thiếu hồ sơ, không đủ tiêu chuẩn phải yêu cầu đào tạo bổ sung.
Mới đây, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị và chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa những vấn đề còn thiếu sót. Sở LĐTB&XH TP.HCM lập 2 tổ công tác do Phó giám đốc Trần Ngọc Sơn và ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm tổ trưởng.
Sở LĐTB&XH TP.HCM yêu cầu ban giám đốc và giám đốc 9 đơn vị liên quan viết bản kiểm điểm trên cơ sở xác định trách nhiệm đối với sai phạm theo nội dung kết luận thanh tra một cách trung thực, thành khẩn, tự giác nhận thiếu sót, sai phạm, không giải trình, né tránh, tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có) và có biện pháp khắc phục.
Trong đó, các đơn vị gồm: Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Cơ sở Cai nghiện ma túy Bố Lá, Cơ sở Cai nghiện ma túy Đức Hạnh, Cơ sở Cai nghiện ma túy Phú Nghĩa, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố, Làng thiếu niên Thủ Đức kiểm điểm về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bổ nhiệm cán bộ ở địa phương: Một căn bệnh!