Uống đến... chết
Những ngày qua, tình trạng ngộ độc rượu lại gia tăng - tỷ lệ thuận với các cuộc liên hoan, tất niên, chia tay năm cũ, chào mừng năm mới diễn ra cấp tập. Mới đây, trong hai ngày ngày 24 – 25.12.2018, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân là Lê Văn X, 64 tuổi; Nguyễn Văn N, 47 tuổi và Lê Văn T, 24 tuổi, đều thường trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong tình trạng hôn mê, rối loạn hô hấp, suy tuần hoàn.
|
Nhiều ca tai nạn giao thông do bia rượu đã bị chấn thương sọ não nặng, nguy cơ tử vong cao (ảnh chụp tại Bệnh viện Việt Đức). Ảnh: T.K |
Theo khảo sát của WHO và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam, có 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%) ca tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu. 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia...
Người nhà cho biết, cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23.12 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu của họ là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, suy hô hấp, nhìn mờ. Bệnh nhân Lê Văn X được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc methanol, chuyển Bệnh viện Trung ương Huế điều trị do bệnh tiên lượng rất nặng.
Bệnh nhân Nguyễn Văn N và Lê Văn T được chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol tại Bệnh viện Quảng Trị. Riêng trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N có hàm lượng methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol. Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2.1.2019.
Từ tháng 11.2018, chưa đến cuối năm, các hội bạn bè, đồng nghiệp rủ nhau đi “tất niên sớm”, gặp gỡ, ôn chuyện liên tục, anh Nguyễn Huy Quang (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) gần như “chìm” trong hũ rượu. Đến đầu tháng 12, ngủ dậy sau một trận nhậu say xỉn, anh Quang bỗng đau bụng dữ dội. Người nhà đưa anh vào viện và chỉ sau vài câu hỏi, bác sĩ vội vã đưa anh vào phòng cấp cứu hồi sức. Xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy anh Quang bị viêm tụy cấp với các chỉ số men gan ở mức cực kỳ nguy hiểm. Anh Quang đã phải nằm hồi sức cấp cứu suốt 3 tuần liền, với nhiều phen hút chết.
“Cũng vào cuối năm ngoái, sau các cuộc nhậu, tôi đã bị viêm tụy cấp nhập viện. Đã muốn chừa nhưng bạn bè suốt ngày rủ nhậu, còn khích bác “kém tắm” khi không dám uống nên tôi lại tặc lưỡi chủ quan. Đợt này thì chừa” – anh Quang nói.
Cuối năm, với các cuộc liên hoan, tất niên, tổng kết triền miên, không ít người - nhất là nam giới, đã đặt mình vào tình trạng uống rượu đến “thập tử nhất sinh”. Cũng có nhiều người không có cơ hội để hối hận.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ gần Tết Dương lịch đến qua Tết Âm lịch, các bác sĩ lại bận nháo nhào với các ca ngộ độc rượu, viêm thận cấp, chảy máu đường tiêu hóa vì rượu. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng này vẫn không đỡ. Đáng ngại nhất là các ca ngộ độc methanol do uống phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc.
"Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh hoặc gây ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao. Có không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội” – bác sĩ Nguyên chia sẻ.
“Hung thần xa lộ” vì say rượu
Vì say rượu, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng đã xảy ra, khiến nhiều người chết và bị thương. Tối 25.12, sau khi xe Hyundai 5 chỗ gây tai nạn liên hoàn ở chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội), tài xế Trần Quyết Thắng (46 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) được kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả ghi nhận 1,177 miligram/lít khí thở, cao gấp rưỡi so với mức cao nhất theo quy định.
Trước đó, lúc 20 giờ ngày 25.12, ông Thắng lái xe Hyundai 5 chỗ đi trên đường Trần Duy Hưng theo hướng về Nguyễn Chí Thanh, khi đến đầu cầu vượt Trần Duy Hưng đã tự đâm vào dải phân cách cứng giữa đường. Tài xế cho xe lùi lại và đâm vào xe máy của cặp vợ chồng trẻ khiến người vợ mang bầu 22 tuần tuổi phải nhập viện. Tiếp đó, tài xế Thắng đâm vào xe máy của hai phụ nữ, khiến bà bầu 31 tuần tuổi phải vào viện theo dõi...
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cứ từ dịp gần lễ tết là tình trạng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông lại tăng cao, trong đó các ca chủ yếu liên quan đến bia rượu. Cụ thể trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 ca cấp cứu, trong đó hơn 200 ca do tai nạn giao thông. Trong đó có nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Các nạn nhân đều là thanh niên, đang trong độ tuổi lao động. Nhiều bệnh nhân nhập viện mà mùi rượu bia vẫn nồng nặc, thậm chí có ca các bác sĩ không thể gây mê vì bệnh nhân say xỉn.
Không chỉ gây tai nạn, say rượu bia cũng là “chất xúc tác” dẫn đến nhiều vụ đánh nhau, án mạng ngoài đường, án mạng giữa bạn bè, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng... mà cơ quan chức năng không thể thống kê đầy đủ.
Ngoài nguy cơ tử vong, ngộ độc, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), uống rượu bia quá chén còn là nguyên nhân của 31% số vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày…