Bảo hiểm nhân thọ: Lỗ hổng và… đạo đức kinh doanh

Google News

Thiếu minh bạch trong khâu tư vấn, giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… gây thiệt hại cho người mua bảo hiểm.

Các chuyên gia pháp lý, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho rằng, những tồn tại của thị trường bảo hiểm nhân thọ có nguyên nhân từ lỗ hổng về chế tài, cũng như đạo đức kinh doanh bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.
Bao hiem nhan tho: Lo hong va… dao duc kinh doanh
 
Lỗ hổng chế tài xử phạt
Bảo hiểm nhân thọ nhận được sự quan tâm của dư luận khi nhiều tồn tại được vạch trần từ vụ diễn viên Ngọc Lan và hàng trăm khách hàng gửi đơn tố Manulife, SCB "hô biến" tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo các chuyên gia nguyên nhân là gì?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Một trong những bức xúc của khách hàng về bảo hiểm nhân thọ chủ yếu do tham gia bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng. Ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho khách hàng, thông qua ngân hàng giới thiệu để hưởng hoa hồng.
Theo tôi có hai nguyên nhân. Thứ nhất, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 ban hành ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 song đến nay, vẫn chưa có nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng nghĩa với việc chưa rõ về mức độ, chế tài xử phạt đối với các vi phạm. Nếu anh kinh doanh bảo hiểm nhân thọ mà tư vấn, thông tin không đầy đủ, minh bạch vi phạm thế nào và bị xử phạt như thế nào? Nếu anh bắt khách hàng phải mua bảo hiểm khi đến ngân hàng thì lỗi như nào, mức phạt cụ thể ra sao. Hiện giờ mới chỉ cấm chứ chưa xử phạt các hành vi này.
Thứ hai là vấn đề đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, thậm chí cả các ngân hàng liên kết với các công ty bảo hiểm. Nhiều ngân hàng cố tình để nhân viên tư vấn bảo hiểm tư vấn không rõ ràng, không đầy đủ cho khách, tạo ra “bẫy thu nhập”, “bẫy bảo hiểm” đối với khách hàng. Đây là hành động rất mù quáng tự doanh nghiệp hại mình. Khi mà họ cố tình lừa dối khách, lùm xùm nổ ra, bản thân bảo hiểm đã bị mất uy tín, bản thân ngân hàng cũng bị mất uy tín do “nối giáo cho giặc”. Hai bên đều rất thiển cận khi cố tình lừa dối khách hàng.
Bao hiem nhan tho: Lo hong va… dao duc kinh doanh-Hinh-2
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong 
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tôi biết một trường hợp một khách hàng tham gia gói bảo hiểm nhân thọ của Manulife 3 năm qua dưới dạng liên kết với ngân hàng và đã đóng 300 triệu đồng. Thời điểm mua gói bảo hiểm này, người này chủ yếu tin tưởng sự tư vấn của nhân viên mà không nghiên cứu kỹ hợp đồng bởi quá dài. Vừa qua, phải hủy hợp đồng trước thời hạn và chịu mất số tiền trên. Bởi nếu tiếp tục đóng 15, 20 năm nữa sẽ rất mơ hồ, trong khi số tiền bỏ ra rất lớn nên quyết định dừng lại. Hợp đồng cũng nêu rõ nếu không theo tiếp sẽ mất tiền nhưng đành chấp nhận.
Dẫn ví dụ trên để thấy rằng dù Luật Kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam đã được ban hành và có hiệu lực nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ hợp tác, liên kết với một số ngân hàng thương mại cổ phần, đặt vấn đề chia hoa hồng với ngành ngân hàng, nhân viên ngân hàng để tuyên truyền, vận động khách hàng mua bảo hiểm, do hám lợi, một số nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách mua bảo hiểm không đúng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, không đúng yêu cầu của bảo hiểm đặt ra. Họ chủ yếu lôi kéo nhiều khách hàng mua bảo hiểm chứ không tư vấn rõ ràng, cụ thể các điều khoản và quyền lợi khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Trong khi đó người dân chỉ nghĩ gửi tiền vào ngân hàng hay vào bảo hiểm đầu tư, chỗ nào có lợi thì làm, nhưng nhân viên tư vấn không nói rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm và không giải thích việc rút bảo hiểm trước thời hạn. Người mua bảo hiểm tin tưởng vào nhân viên ngân hàng dẫn đến nhiều trường hợp khách bức xúc khi mua bảo hiểm một vài năm, rút ra phải mất tiền gửi...Rõ ràng ở đây dù đã có luật nhưng vẫn còn lỗ hổng, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vì lợi nhuận mà vi phạm đạo đức kinh doanh.
Bao hiem nhan tho: Lo hong va… dao duc kinh doanh-Hinh-3
Đại biểu Phạm Văn Hòa. 
Khách hàng tin tưởng nhưng kinh doanh bảo hiểm lại bất chấp
Trong khi các nhân viên tư vấn bảo hiểm bất chấp đạo đức kinh doanh thì khách hàng lại quá tin tưởng, dẫn đến thực trạng bỏ tiền lớn mua bảo hiểm nhưng không biết bao giờ mới thấy quyền lợi?
Luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc TAT Law firm: Đa số nguyên nhân dẫn đến khách hàng bất ngờ với những điều khoản của hợp đồng bảo hiểm đều do tâm lý tin tưởng nhân viên tư vấn, không nghiên cứu kỹ hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng bảo hiểm đúng như một ma trận vì rất nhiều trang, điều khoản phức tạp, sử dụng ngôn ngữ đặc thù và chuyên ngành khiến khách hàng khó lòng có đủ kiên nhẫn để đọc kỹ. Để hiểu được hợp đồng, khách cần có khối lượng kiến thức nhất định. Do vậy, phần lớn khách hàng thường nghe theo lời tư vấn của nhân viên bán bảo hiểm dẫn đến rủi ro thuộc về bản thân. Quá trình tư vấn của nhân viên hoàn toàn là trao đổi bằng miệng, không được ghi nhận bằng văn bản.
Nhân viên bán hàng vì mong muốn ký được hợp đồng mà tư vấn không đúng hoặc không đầy đủ bản chất sự việc. Khách hàng tin lời của nhân viên bán bảo hiểm, không xem kỹ và hỏi rõ ràng điều khoản trong hợp đồng. Người chịu rủi ro trong trường hợp này chắc chắn là khách hàng. Nhiều trường hợp khách hàng bức xúc, xảy ra tranh chấp với công ty bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi phản ánh của họ không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng.
Bao hiem nhan tho: Lo hong va… dao duc kinh doanh-Hinh-4
Luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc TAT Law firm: 
Qua những lùm xùm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ vừa qua, rõ ràng cho thấy đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp, đại lý, nhân viên tư vấn bảo hiểm có vấn đề?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Thực tế cho thấy, một số công ty bảo hiểm nhân thọ lập hợp đồng không rõ ràng, thiếu minh bạch, gây khó cho khách. Lẽ ra, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải là chỗ dựa đáng tin cậy của khách hàng, nhưng thực tế chính họ lại đang đánh mất niềm tin của “thượng đế”.
Hợp đồng bảo hiểm mập mờ, khó hiểu, cài cắm câu chữ, gây bất lợi cho người mua, rõ ràng các doanh nghiệp này đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nghề kinh doanh bảo hiểm cần gìn giữ đạo đức kinh doanh. Lẽ ra các doanh nghiệp bảo hiểm cần đào tạo nhân viên về kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp nhưng thời gian qua họ chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm. Thậm chí, một số doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng nhiều tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.
Do đó, những hành vi này phải bị lên án, nghiêm khắc phê phán, thậm chí xử lý theo quy định. Không trung thực trong kinh doanh bảo hiểm là điều tối kỵ. Tôi đề nghị cơ quan thanh tra phải vào cuộc làm rõ để xử lý nếu doanh nghiệp vi phạm rồi lại tái phạm, bảo vệ những đơn vị kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm, làm ăn trung thực.

“Tôi đề nghị cơ quan thanh tra phải vào cuộc làm rõ để xử lý nếu doanh nghiệp vi phạm rồi lại tái phạm, bảo vệ những đơn vị kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm, làm ăn trung thực”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Bao hiem nhan tho: Lo hong va… dao duc kinh doanh-Hinh-5
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 
Cần hoàn chính xây dựng nghị định và thông tư về kinh doanh bảo hiểm
Để chấm dứt những tồn tại trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, cần những giải pháp gì?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Vấn đề cần làm ngay là Bộ Tài chính tham mưu xây dựng nghị định và xây dựng thông tư để thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, trong đó tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên và các chế tài xử phạt vi phạm.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty bảo hiểm, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước làm việc cụ thể với các ngân hàng liên kết bán bảo hiểm cho khách. Nếu phát sinh việc khách hàng khiếu kiện, người đứng đầu của công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại cổ phần tham gia liên kết bán bảo hiểm phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần rà soát toàn bộ khâu của quá trình bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng, chấn chỉnh các nhân viên tư vấn bảo hiểm mập mờ không rõ ràng, minh bạch khi tư vấn cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật...
Theo thống kê, 19 doanh nghiệp ở Việt Nam cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Giai đoạn 2018-2022, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng ở mức khá cao, trung bình khoảng 21%/năm. Đến hết năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 178.269 tỷ đồng, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm là 42.561 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là kênh huy động vốn hữu hiệu của nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp năm 2022 là 616.791 tỷ đồng. Sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ góp phần thực hiện an sinh xã hội, huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế và tạo thêm việc làm cho người lao động.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn viên Ngọc Lan khóc nấc, tố bị lừa tiền bảo hiểm 7 tỷ
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)