Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã có báo cáo gửi Bộ Công an về việc ông Vũ Đình Duy đi nước ngoài với lý do "chữa bệnh" mà chưa được phép của tập đoàn.
|
Ông Vũ Đình Duy. |
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam quanh việc ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) tự ý đi ra nước ngoài với lý do để 'chữa bệnh' khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo tập đoàn.
Về việc đi nước ngoài nhưng chưa được phép của lãnh đạo Vinachem, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định đây là việc trái với quy định của tập đoàn và đương nhiên ông Vũ Đình Duy phải chịu trách nhiệm về vi phạm đó. Hiện Vinachem đã có báo cáo lên Bộ Công Thương và Bộ Công an về vụ việc.
Liên quan đến buổi làm việc của Tổ kiểm tra đặc biệt do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh quyết định thành lập ngày 4/11, ông Vượng cho biết chưa nhận được báo cáo nội dung về buổi làm việc.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc là của ông Vũ Đình Duy bởi là một Thành viên của Hội đồng Thành viên, khi ra nước ngoài, dù là chữa bệnh hay mục đích gì thì cũng phải được sự cho phép của cơ quan. Ngoài ra, Vinachem quản lý cán bộ để xảy ra sự việc như vậy cũng phải chịu trách nhiệm bị liên đới.
Cũng theo thông tin của Tiền Phong từ Bộ Công Thương, ngày 2/11, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về việc ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), không có mặt ở cơ quan nhiều ngày qua mà không được sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn.
Một đại diện Tập đoàn Hóa chất cũng xác nhận từ hơn 1 tuần nay, ông Duy đã không có mặt ở cơ quan và xin phép nghỉ ốm và đi chữa bệnh đến hết tuần. Theo vị này, Vinachem đã nhiều lần liên lạc để yêu cầu ông Duy có mặt tại cơ quan nhưng không được.
Ông Vũ Đình Duy (sinh năm 1975) là người từng nhiều năm giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí PVTex (ông Duy giữ chức Tổng giám đốc từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014). Trong 2 năm sau khi rời khỏi chức vụ Tổng giám đốc PVTex, để lại dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ đối mặt thua lỗ nặng, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất, ông Vũ Đình Duy được luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau với những quyết định bổ nhiệm để lại nhiều điều tiếng.
Sau khi từ PVTex về làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng trong vòng 6 tháng, ông Duy tiếp tục được nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Cục phó An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương). Đến ngày 8/4/2016, ông Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 1369/QĐ-BCT điều động và bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kể từ ngày 8/4/2016. Điều đáng nói, quyết định bổ nhiệm ông Duy được ông Vũ Huy Hoàng ký đúng một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới.
Được đầu tư tới 7.000 tỷ đồng nhưng sau hơn một năm đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVTex) phải tạm dừng hoạt động, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất. Trước sức ép lỗ lớn, để giảm thiểu thiệt hại về tài chính, nhà máy xơ sợi tiếp tục phải dừng hoạt động trong ba tháng đầu năm 2015 để tìm cách tiêu thụ sản phẩm.
Sau nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị sản xuất, đến 13/3/2015 nhà máy vận hành trở lại với 100% công suất. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, khó khăn vẫn đeo đẳng. Mỗi tấn sản phẩm sản xuất ra, PVTex lỗ 3,34 triệu đồng. Để thoát khỏi khó khăn, đơn vị đã tìm mọi cách hạ giá thành và bán ra một lượng hàng không nhỏ với mức giá thấp nhưng tình hình không cải thiện. Dù Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành đã ra tay giải quyết nhiều ưu đãi nhưng con tàu PVTex có nguy cơ khó trụ trước những sóng gió cạnh tranh của thương trường.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Phó tổng giám đốc PVTex Bùi Việt Hà cho biết, tính đến 31/3/2015 lỗ lũy kế của đơn vị lên tới 1.732 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng giảm còn 520 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch năm đã được duyệt, tình hình sản xuất kinh doanh của PVTex càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp dự báo đến cuối năm 2015 tiếp tục bị lỗ hơn 687 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đến 31/12/2015 chỉ còn 42,31 tỷ đồng (vốn đầu tư của chủ sở hữu ban đầu 2.165 tỷ đồng) và sẽ lỗ kéo dài đến hết năm 2017.