Bằng tốt nghiệp 160 SV ĐH Kinh Bắc không hợp pháp, xử lý sao?

Google News

Trường Đại học Kinh Bắc khẳng định160 văn bằng tốt nghiệp đại học đã cấp phát cho sinh viên đợt 2 năm 2024, do ông Phạm Ngọc Trúc ký là không hợp pháp.

Trường Đại học Kinh Bắc (trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) vừa khuyến cáo đăng trên Cổng thông tin của nhà trường về việc cấp bằng cho 160 sinh viên tốt nghiệp đợt 2 năm 2024 do ông Phạm Ngọc Trúc ký, cấp là không đúng thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý.
Khuyến cáo nêu rõ: Thực hiện văn bản số 6976/BGDĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29/10/2024 về việc tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kinh Bắc, Hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc đã có thông báo về việc hoãn Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp đợt 2 năm 2024.
Tuy nhiên, ngày 02/11/2024 tại Khách sạn Mường Thanh-TP Bắc Ninh, ông Phạm Ngọc Trúc được bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc không đúng quy định, không đúng thủ tục của pháp luật đã thực hiện tổ chức Lễ trao bằng và cấp bằng cho 160 sinh viên tốt nghiệp là bất hợp pháp. Bởi, theo căn cứ pháp lý thì toàn bộ số bằng tốt nghiệp đại học do ông Phạm Ngọc Trúc ký, cấp là không đúng thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý. Do vậy, toàn bộ 160 văn bằng đã cấp do ông Phạm Ngọc Trúc ký là văn bằng không hợp pháp.
Bang tot nghiep 160 SV DH Kinh Bac khong hop phap, xu ly sao?
Một trong những tấm bằng cử nhân được TS. Phạm Ngọc Trúc ký. Nguồn Báo GD&TĐ  
Văn bản này cũng khẳng định chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc là ông Đoàn Xuân Tiếp và Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc là ông Nguyễn Văn Hòa.
Việc bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng lấy danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc để bổ nhiệm, giao nhiệm vụ cho ông Phạm Ngọc Trúc và bà Đào Thị Bích Thủy là không đúng thẩm quyền, không đúng thủ tục, không đúng quy định của pháp luật. Do vậy, ông Phạm Ngọc Trúc và bà Đào Thị Bích Thủy không phải là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc. Việc ông Phạm Ngọc Trúc và bà Đào Thị Bích Thủy xưng danh là Phó hiệu trưởng là hành vi trái pháp luật.
Trường Đại học Kinh Bắc khuyến cáo các nhà tuyển dụng, sinh viên đã được nhận những văn bằng tốt nghiệp trên để tránh những rủi ro và hậu quả pháp lý xấu sẽ xảy ra do người ký, cấp không đúng thẩm quyền và có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Nhìn ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Duy Hoàn, Công ty Luật TNHH Lawkey cho rằng, việc “lùm xùm” này các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ đúng sai, vì sự việc đã ảnh hưởng đến hàng trăm sinh viên. Trước hết là Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Bắc Ninh (nơi trường đại học tư thục này đặt trụ sở và hoạt động), chủ đầu tư của Trường Đại học Kinh Bắc là Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ. 
Nếu đúng 160 văn bằng do ông Phạm Ngọc Trúc ký cấp phát cho sinh viên là văn bằng không hợp pháp thì yêu cầu nhà trường ra thông báo thu hồi và cấp lại cho những sinh viên này văn bằng hợp pháp. Còn nếu việc cấp 160 văn bằng đó là đúng thẩm quyền thì cũng cần đính chính lại khuyến cáo đã đăng trên Cổng thông tin của nhà trường để sinh viên yên tâm, tiếp tục sử dụng văn bằng mà Trường Đại học Kinh Bắc đã cấp. Cần giải quyết nhanh chóng vụ việc để tránh tình trạng một bên cấp, một bên bảo sai, gây hoang mang cho phụ huynh, sinh viên và ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.
 
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)