Ngày 21/4, TAND TP.HCM cho biết cơ quan này đã nhận được đơn của Nguyễn Đức Thùy Dung (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), kiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, yêu cầu giải quyết Tranh chấp bồi thường thiệt hại Nhà nước.
|
Nguyễn Đức Thùy Dung. Ảnh: Lê Quân. |
Theo đơn khởi kiện, ngày 29/1/2014, cơ quan CSĐT Công an TP khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, liên quan đến số tiền 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ.
Ngày 19/3/2015, Thùy Dung và Phương Nga bị bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra vào năm 2015, Thùy Dung bước đầu thừa nhận đã lấy 9,5 tỷ trong tổng số 16,5 tỷ đồng nên muốn được khắc phục hậu quả. Dung đề nghị cơ quan điều tra dùng sổ tiết kiệm 2,5 tỷ đồng của mình đang bị tạm giữ để trả lại cho ông Mỹ, số tiền còn lại sẽ khắc phục sau.
Ngày 9/11/2015, cơ quan CSĐT ra quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan. Trong đó, công an thu giữ 2,5 tỷ đồng và toàn bộ lãi phát sinh từ số tiền này của Dung.
Ngày 29/1/2019, Công an TP.HCM đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Dung và Nga. Cơ quan điều tra hoàn trả nhiều vật chứng như điện thoại, iPad. Tuy nhiên, cơ quan này lại chưa trả 2,5 tỷ đồng đã thu giữ trước đó.
Do đó, Thùy Dung khởi kiện, yêu cầu Công an TP.HCM trả lại số tiền này. Bên cạnh đó, cô còn yêu cầu tòa án buộc bị đơn bồi thường tổn thất do việc chậm trả số tiền trên và chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện vụ án.
|
Phương Nga và Thùy Dung tại trụ sở Công an TP.HCM ngày 1/2. Ảnh: Lê Quân. |
Phương Nga và Thùy Dung được TAND TP.HCM đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 21/9/2016. Tuy nhiên, sau 1 ngày xét xử, trước việc Phương Nga khai rằng nhận 16,5 tỷ đồng từ ông Mỹ là do có hợp đồng tình ái, HĐXX phải trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ tình tiết này.
Ngày 22/6/2017, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm lần 2. Một tuần sau đó, tòa trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung, đồng thời cho Phương Nga và Thùy Dung tại ngoại.
Sau đó, nhà chức trách đề nghị chuyển tội danh của 2 bị can từ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Khi cơ quan CSĐT chuyển kết luận qua cho Viện KSND TP.HCM để chờ phê chuẩn, VKS đã khuyến cáo cơ quan chức năng cần thận trọng khi miễn trách nhiệm hình sự với 2 bị can này.
Bởi khung hình phạt của tội Làm giả con dấu, tài liệu cùa cơ quan, tổ chức là từ 6 tháng đến 2 năm tù; trong khi đó, Phương Nga và Thùy Dung đã bị tạm giam hơn 2 năm 3 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại điều khoản này.
Ngày 12/3, cả hai đến nhận quyết định đình chỉ vụ án; vật chứng là điện thoại, iPad... và 37 triệu đồng cơ quan điều tra thu giữ trước đó. Tuy nhiên, ngay sau đó, Phương Nga và Thùy Dung đã khiếu nại quyết định này của Công an TP.HCM và VKS.
Phương Nga cho rằng các quyết định này không phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án. Cô khẳng định mình không phạm tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, Phương Nga chỉ ra vào năm 2015, VKSND TP.HCM đã hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với Nga và Dung về tội danh làm giả con dấu.
Về việc miễn trách nhiệm hình sự, Phương Nga cho rằng chỉ áp dụng đối với người phạm tội, không thuộc trường hợp của cô và Dung. Do đó, cô đề nghị Viện trưởng VKSND TP.HCM xem xét lại, đồng thời giám sát việc xử lý đơn tố cáo của ông Cao Toàn Mỹ về hành vi Vu khống.
Riêng Thùy Dung đề nghị VKS giám sát việc thực hiện quyết định thu hồi 2,5 tỷ đồng từ ông Cao Toàn Mỹ trả cho mình, có văn bản trả lời về thời hạn thu hồi số tiền này.