Hiện nay vẫn còn tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ trái quy định, gây bức xúc.
Nhiều người cho rằng “Ban đại diện cha mẹ học sinh” hay “Ban phụ huynh” là “cánh tay nối dài của hiệu trưởng”. Thậm chí, được sinh ra chủ yếu để thu đủ các loại quỹ, do đó, cần tính chuyện dẹp bỏ.
Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Theo đó, điều 10 của Thông tư này quy định rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như:
- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Các trường được huy động tài trợ các khoản gì?
Các cơ sở giáo dục muốn tổ chức kêu gọi xã hội hóa, huy động tài trợ, phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Thông tư 16, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí.
Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung:
- Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;
- Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Không vận động tài trợ để chi trả các khoản: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
|
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Về vận động tài trợ, căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng GD-ĐT phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; báo cáo sở GD-ĐT phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp THPT và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở GD-ĐT trước khi tổ chức.
Đối với trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học, kế hoạch vận động tài trợ phải trình Hội đồng trường hoặc Hội đồng quản trị phê duyệt trước khi vận động tài trợ và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.
Tuy nhiên, sở, phòng GD-ĐT sẽ thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của cơ sở giáo dục. Trường hợp phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy trình, quy định và không công khai minh bạch, phải yêu cầu cơ sở giáo dục dừng triển khai kế hoạch vận động tài trợ.
Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.