Ba năm thi hành Luật Báo chí: Nâng cao vai trò quản lý của LHHVN

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 4/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016, tình hình thực hiện Luật Báo chí tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN).

Tại hội nghị, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – LHHVN đã trình bày tham luận nhận xét, đánh giá về tình hình thực hiện Luật Báo chí tại LHHVN (2016 -2019).
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) là Tổ chức chính trị - xã hội, được thành lập năm 1983, là hệ thống tập hợp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và ấn phẩm thông tin, báo chí lớn hiện nay, có chức năng và nhiệm vụ đoàn kết và tập hợp đội ngũ trí thức KHCN, điều phối hoạt động của các hội thành viên, là đầu mối giữa các cơ quan, tổ chức, đại diện quyền lợi hợp pháp của các hội thành viên, giải quyết những vấn đề chung trong phát triển KHCN Việt Nam.
Ba nam thi hanh Luat Bao chi: Nang cao vai tro quan ly cua LHHVN
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – LHHVN 
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, truyền thông, phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tôn vinh trí thức, thúc đẩy phong trào sáng tạo KHCN là những nội dung quan trọng, ưu tiên hàng đầu của LHHVN, được xác định trong Chỉ thị 42/TƯ ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị vì vậy LHHVN định hướng phát triển báo chí gắn tôn chỉ, mục đích, hoạt động báo chí với mục tiêu và định hướng chung.
Theo thống kê giấy phép và đăng ký, toàn hệ thống LHHVN năm 2019 có 112 cơ quan báo chí và 403 ấn phẩm thông tin báo chí (gồm 127 báo, tạp chí; 65 bản tin và 211 trang tin điện tử tổng hợp).
Số lượng báo và tạp chí do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp và gián tiếp quản lý là 30 cơ quan báo chí trong đó trực tiếp quản lý (là cơ quan chủ quản) gồm 4 cơ quan báo (Báo Khoa học và Đời sống; Báo điện tử Kiến Thức; Báo Đất Việt và Báo điện tử Tầm nhìn) và ngoài ra, có 26 cơ quan báo chí do tổ chức chức khoa học và công nghệ (hoạt động theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP) trực thuộc LHHVN quản lý bao gồm các tạp chí khoa học chuyên ngành, liên ngành và tạp chí khác.
Sau 3 năm thực hiện Luật Báo chí 2016, LHHVN nhận thấy Luật đã có những ưu điểm và thuận lợi cụ thể như sau:
Thứ nhất, vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản được làm rõ trong điều 14 và 15 của Luật. Thực tế, từ khi Luật Báo chí 2016 có hiệu lực, LHHVN đã xác định và chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của chủ quản đối với báo chí đang quản lý trực tiếp như: Củng cố bộ phận tham mưu, giúp việc, quản lý báo chí; yêu cầu cơ quan báo chí báo cáo hoạt động thường xuyên; yêu cầu cơ quan báo chí cử cán bộ đầu mối, chuyên trách theo sát hoạt động của cơ quan chủ quản; mở các kênh thông tin giữa cán bộ quản lý báo chí với các Tổng biên tập Báo phối hợp công việc hàng ngày; kịp thời chấn chỉnh các hoạt động chuyên môn, quản lý; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho báo chí.
Trong 3 năm thực hiện Luật Báo chí 2016, báo chí thuộc cơ quan chủ quản LHHVN không có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng dẫn đến đình bản, các vụ việc bị nhắc nhở giảm đáng kể.
Thứ hai, đối với các cơ quan chủ quản gián tiếp (LHHVN là chủ quản của chủ quản) tăng cường giao trách nhiệm và hỗ trợ chuyên môn, nâng cao năng lực cho các cơ quan chủ quản, giảm tải vai trò quản lý của LHHVN.
Thứ ba, thực hiện tốt đề án quy hoạch báo chí (vì đề án được quy định trong Luật Báo chí 2016) đảm bảo đúng những nguyên tắc chỉ đạo và các bước tiến hành theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, điều 37 Luật Báo chí về liên kết xuất bản tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí phát triển, ngày càng đảm bảo hơn việc cân đối thu, chi tài chính, đảm bảo sự ổn định hoạt động chuyên môn của tòa soạn và từng bước nâng cao đời sống cho các phóng viên, biên tập viên.
Thứ năm, Luật Báo chí 2016 tạo hành lang pháp lý mở rộng sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và sự vụ liên quan. Đặc biệt, đã hình thành cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ quản xử lý một số sự việc liên quan đến thẩm quyền.
Một số khó khăn, hạn chế và kiến nghị:
Thứ nhất, Luật cần xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm cơ quan chủ quản trong điều 15, đặc biệt các nội dung như: chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích, thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí; khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Luật Báo chí 2016 mặc dù giao trách nhiệm cho cơ quan chủ quản, nhưng không xác định rõ ràng tiêu chí, bộ công cụ, quy trình thực hiện...Cần quy định rõ hơn trong việc cơ quan chủ quản có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và áp dụng quy chế nội bộ phù hợp với Luật Báo chí 2016 và pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, cần có những quy định về những cơ quan đang đóng vai chủ quản của chủ quản như LHHVN, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam...để tránh chồng chéo vai trò chủ quản. Hiện nay LHHVN vẫn phải xử lý một số vấn đề như cơ quan chủ quản trong khi trên giấy phép hoạt động báo chí, cơ quan trực thuộc LHHVN mới là cơ quan chủ quản.
Thứ ba, về điều 22 Luật Báo chí quy định về việc thành lập văn phòng đại diện cơ quan báo chí cần bổ sung việc khẳng định văn phòng đại diện cơ quan báo chí phải được cấp pháp nhân hoạt động. Thực tế hiện nay nhiều văn phòng đại diện cơ quan Tạp chí thuộc các Viện trong hệ thống LHHVN chưa được Cục quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công An cấp con dấu với lý do khác nhau. Việc không có tư cách pháp nhân, văn phòng đại diện sẽ không tổ chức được bất cứ hoạt động thu thập thông tin, viết tin, bài tại địa phương có văn phòng đại diện (ví thực tế không thể gửi giấy giới thiệu hàng ngày về Cơ quan trung ương ký cho việc triển khai các hoạt động tác nghiệp).
Thứ tư, Điều 18 – Luật Báo chí 2016 quy định về giấy phép hoạt động, cần làm rõ việc cấp phép báo in và báo điện tử thống nhất. Một cơ quan báo chí in xin hoạt động điện tử thì được hiểu là giấy phép con (phiên bản điện tử) chứ không là báo điện tử độc lập. Thực tế việc cấp thêm giấy phép Báo điện tử, Báo in dẫn đến tình trạng nhiều tòa soạn, nhiều con dấu, thậm chí nhiều Tổng biên tập trong nhiều cơ quan báo chí dẫn đến tình trạng lách luật trong hoạt động báo chí.
Thứ năm, đối với các loạt hình Tạp chí điện tử cần phải có những quy định rõ ràng, đặc biệt trong việc xuất bản và thực hiện tôn chỉ mục đích. Việc xuất bản Tạp chí điện tử (hay phiên bản điện tử) không thể áp dụng theo mô hình xuất bản định kỳ như Tạp chí in trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần cho phép Tạp chí điện tử, phiên bản điện tử xuất bản dạng thông tin hàng ngày nhưng giám sát chặt chẽ nội dung theo tôn chỉ, mục đích và không được báo hóa tạp chí.
Kim Ngưu

>> xem thêm

Bình luận(0)