Kể từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực. Theo đó, khi điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng.
Cụ thể, với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng với quy định nồng độ cồn trong cơ thể phải bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Bởi nếu vượt qua giới hạn này đồng nghĩa với việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở trên con số 0 sẽ có thể bị xử phạt hành chính.
|
Ảnh minh họa. |
Trong khi thực tế, việc có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở không chỉ có uống rượu bia mà khi ăn hoa quả chín quá mức, uống nước trái cây lên men, sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, hay ăn thức ăn hấp bia, rượu, siro, thậm chí giấm ăn cũng đều có thể có nồng độ cồn trong máu và khí thở dù ở mức thấp.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu những trường hợp không sử dụng rượu, bia nhưng ăn uống những thực phẩm trên có nồng độ cồn trong máu và khí thở thì liệu có bị xử phạt oan?
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể như sử dụng đồ uống, thức ăn có chút ethanol. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng bởi quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay là rất chính xác. Hơn nữa, nồng độ cồn trong các loại thực phẩn đều rất thấp và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn.
“Người dân cũng lưu ý, khi sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông”, bác sĩ Nguyên nói.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trên thực tế có những tình huống như ăn trái cây mà hơi thở có nồng độ cồn thì vẫn có thể xử lý được vì cồn lưu lại không lâu.
“Trong quá trình phát hiện xử phạt cảnh sát giao thông có hai hình thức đo nồng độ cồn đó là đo nồng độ trong hơi thở và thứ 2 là xét nghiệm máu để đo nồng độ cồn. Quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác", thượng tá Nhật cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Những hình phạt nồng độ cồn đối với người đi xe đạp, xe máy, và xe ô tô: